Bất chấp nhu cầu được cho là khổng lồ về bán dẫn, ngành công nghiệp này lại đang vật lộn trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng về vấn đề nhân lực.
Những con chip hiện được xem là động lực cho sự tăng trưởng và đổi mới. Tình trạng thiếu hụt chip đã dẫn tới sự phát triển chậm lại của nhiều ngành công nghiệp, từ ô tô, năng lượng, sản xuất hàng tiêu dùng cho tới chăm sóc sức khỏe. Do đó, công nghiệp bán dẫn ngày càng trở thành một ngành quan trọng, có sức ảnh hưởng trên toàn cầu.
Mỹ và các nước châu Âu coi việc sản xuất chip là ưu tiên chiến lược. Nhiều nhà máy sản xuất chip mới đang được xây dựng ở Mỹ, châu Âu và khu vực châu Á. Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), dự kiến sẽ có gần 1.000 tỷ USD được đầu tư cho lĩnh vực này từ nay đến năm 2030.
Tuy nhiên, có một yếu tố tác động trực tiếp và có thể gây ảnh hưởng đến sự thành công của kế hoạch này, đó là nhân lực bán dẫn trên toàn cầu đang ngày một khan hiếm.
Số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy, nước này sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt 300.000 kỹ sư và 90.000 kỹ thuật viên bán dẫn lành nghề vào năm 2030.
Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Chủ tịch và Giám đốc điều hành SIA John Neuffer bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này khi cho rằng, nếu không được bổ sung, đến năm 2030, nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực ngành bán dẫn.
Theo công ty phân tích dữ liệu McKinsey & Company, ngành công nghiệp bán dẫn đang đối mặt với sự bất hợp lý về độ tuổi lao động. 1/3 số lao động ngành bán dẫn tại Mỹ có độ tuổi từ 55 trở lên, cũng có nghĩa là họ sắp nghỉ hưu. Tại châu Âu, 1/5 lực lượng lao động ngành bán dẫn cũng ở trong độ tuổi này.
Số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Điện và Kỹ thuật số (ZVEI) Đức và Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) cho thấy, khoảng 1/3 số người làm trong ngành bán dẫn nước này sẽ nghỉ hưu trong thập kỷ tới.
Bên cạnh lực lượng lao động quá già, ngành bán dẫn toàn cầu cũng gặp phải nhiều vấn đề khác. Đầu tiên là thách thức về việc xây dựng thương hiệu để thu hút nhân tài công nghệ.
McKinsey & Company chỉ ra rằng, các cuộc khảo sát với cả nhà tuyển dụng và sinh viên đại học đều cho thấy sự thiếu nhiệt tình của công chúng đối với các thương hiệu bán dẫn.
Khoảng 60% các giám đốc điều hành cấp cao tin rằng, các công ty bán dẫn có hình ảnh và mức độ nhận diện thương hiệu yếu so với các công ty công nghệ khác.
Trong khi đó, sinh viên quan tâm nhiều hơn đến cơ hội việc làm tại các công ty công nghệ hướng đến người tiêu dùng. Họ tin rằng những công việc tại các công ty công nghệ khác thú vị hơn, mức lương cao hơn và triển vọng phát triển tốt hơn ngành bán dẫn.
Không chỉ vậy, theo khảo sát Great Attrition/Great Attraction được McKinsey & Company thực hiện tháng 3/2023, ngày càng nhiều lao động trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn có khả năng sẽ rời bỏ công việc hiện tại trong vòng 3 đến 6 tháng sau đó.
Tỷ lệ lao động ngành bán dẫn dự định rời bỏ công việc là 53% năm 2023, tăng hơn nhiều so với 40% ở năm 2021. Khi được đặt câu hỏi, những người này cho biết, lý do dẫn tới quyết định trên bởi họ không thể phát triển và thăng tiến nghề nghiệp (34%), một nguyên khác là nơi làm việc thiếu tính linh hoạt (33%).
Theo McKinsey & Company, xu hướng này ngày càng tồi tệ bởi thực tế những người có ý định nghỉ việc không chỉ rời bỏ công ty mà họ còn rời bỏ cả ngành đang theo đuổi.
Số liệu thống kê chỉ ra rằng, tại Australia, Ấn Độ, Singapore, Anh và Mỹ, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022, chỉ 36% người lao động ngành bán dẫn bỏ việc rồi nhận công việc mới trong cùng ngành. Với 64% số lao động nghỉ việc còn lại, họ lựa chọn chuyển sang một ngành khác hoặc nghỉ hưu và rời khỏi thị trường lao động.
Chưa dừng lại ở đây, vấn đề tâm lý cũng là một rào cản khiến người lao động rời khỏi ngành bán dẫn. Dữ liệu của mạng tuyển dụng Glassdoor cho thấy, so với các nhà sản xuất ô tô và nhóm "Big Tech", các công ty bán dẫn không được người lao động đánh giá cao về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Yếu tố phúc lợi và văn hóa doanh nghiệp của các công ty bán dẫn cũng thua kém.
Các nguyên nhân kể trên chính là lý do khiến nguồn nhân lực bán dẫn trên toàn cầu đang khan hiếm. Bất chấp nhu cầu khổng lồ về bán dẫn, ngành công nghiệp này đang phải vật lộn trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng về vấn đề nhân sự.
Bài 2: Khủng hoảng kỹ sư chip và cơ hội của Việt Nam