Ngôi chùa cổ đắc địa bên dòng sông Lam do hoàng tử nhà Lý xây dựng, sở hữu cổng Tam quan được làm bằng gỗ lim 'khủng' nhất Việt Nam

27-02-2024 15:48|Quỳnh Như

Ngôi cổ tự trước đây để các vua lễ Phật cầu kinh, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, bảo vệ giang sơn của dân tộc.

Chùa Thanh Lương là ngôi cổ tự có từ thời Lý, do hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ tên là Lý Nhật Quang dựng lập khi vào trấn giữ Hoan Châu. Chùa có 2 tên gọi, ngoài cổng là Thanh Lương và bên trong trước đây có biển đề tên là Quốc Linh tự. Khi xưa, ngôi cổ tự này là nơi để các vua đến lễ Phật, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; đồng thời là nơi khơi dậy lòng yêu nước, bảo vệ giang sơn của dân tộc.

Toàn cảnh chùa Thanh Lương từ trên cao nhìn xuống. Ảnh: Báo Dân Việt

Toàn cảnh chùa Thanh Lương từ trên cao nhìn xuống. Ảnh: Báo Dân Việt

Chùa được xây trên một khu đất cao, rộng 3,5ha rất thoáng đãng, thuộc làng Khải Mông, nay là khối 11 của thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), giao thông thủy bộ đều thuận tiện.

Chùa Thanh Lương có phong cảnh hữu tình, giao thông thuận tiện. Phía Nam là đường quốc lộ 8B; phía Bắc có dòng sông Lam. Bên kia bờ sông Lam là doi Cồn Mộc còn tiềm ẩn nhiều dấu tích, nhất là thời vua Quang Trung, "Cồn Mộc bình sa" là một trong bát cảnh của huyện Nghi Xuân.

Hiện nay cơ ngơi ngôi chùa còn khiêm tốn nhưng cũng đã có cảnh quan khá đẹp. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Hiện nay cơ ngơi ngôi chùa còn khiêm tốn nhưng cũng đã có cảnh quan khá đẹp. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Chùa có 2 tòa, tòa thượng dành khi vua về Hoan Châu làm lễ. Tòa hạ dành cho các bá quan văn, võ cùng với nhân dân hướng lên Tam Bảo khai kinh.

Nội dung khai kinh của nhà vua là:

"Phổ dụ chúng sinh hoàng dương ư chánh pháp

Trừ thập ác, dành thập thiện, hướng tòa sen"

​Đồng thời phổ dụ khuyến cáo lòng yêu nước của chúng sinh. Sau khi khai kinh lần đầu ở chùa Thanh Lương, nhà vua xa giá lên núi Hồng Lĩnh theo đường Thiên Lộc và gợi ý xây dựng chùa Hương Tích.

Về kinh, vua lần lượt cử các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, sa môn đến trụ trì hầu kinh ở chùa, 3 vị hòa thượng sống trên 100 tuổi. Có vị đại thọ 107 tuổi, tiếc là nay không còn lưu lại pháp danh. Nay ở chùa vẫn còn 3 am lớn.

Không gian bên trong chùa. Ảnh: Báo Dân Việt

Không gian bên trong chùa. Ảnh: Báo Dân Việt

Còn 4 vị Đại đức đều có lăng mộ nhỏ xây bằng gạch, 7 sa môn và người phục vụ có 7 phần mộ bằng đất. Mỗi khi có 1 vị hòa thượng nhập diệt, nhà vua liền phái người về thay thế.

Chùa Thanh Lương xưa có nhiều bản gỗ khắc kinh pháp, tiếc là nay không còn. Chùa đã được bảo toàn và tu sửa qua các triều đại phong kiến từ Lý đến Nguyễn. Sau Cách mạng Tháng Tám vẫn có nhà sư Nguyễn Văn Thành danh là Tam Văn trụ trì.

Thời kháng chiến chống Mỹ, chùa bị bom đạn tàn phá trở thành phế tích, tháng 2/1996, chùa bắt đầu xây dựng lại. Năm 2009, Đại đức trụ trì đã vận động Phật tử phát tâm đúc được 3 pho tượng Phật và 1 đại hồng chung trọng lượng 1,5 tấn.

Qua nhiều năm trùng tu, đến nay chùa Thanh Lương được xây dựng lại với 19 hạng mục và tổng diện tích 5ha, gồm tòa Tam Bảo (điện chính), nhà tổ, nhà thập bát La Hán, nhà Thánh Mẫu, nhà tăng, cổng Tam quan và lầu chuông, lầu trống...

Cổng Tam quan chùa Thanh Lương

Cổng Tam quan chùa Thanh Lương

Bên cạnh đó, chùa Thanh Lương còn sở hữu cổng Tam quan bằng gỗ lim “khủng” nhất cả nước với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Công trình có chiều cao hơn 15m, rộng 13m, được làm bằng gỗ tứ quý với 16 cột trụ. Cổng có 4 cột chính (mỗi cột cao hơn 13m, đường kính 1,3m); 4 cột con (cao từ 5-11m, có đường kính từ 0,7-0,9m). Tổng 16 cột đều được đặt trên tảng đá hoa sen hình vuông, chạm khắc cầu kỳ.

Kiến trúc cổng Tam quan do Đại đức Thích Quảng Nguyên - Ủy viên Thường trực Ban trị sự kiêm Trưởng ban Kinh tế Ban trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh, trụ trì chùa Thanh Lương thiết kế. Để hoàn thành công trình, hơn 20 thợ mộc lành nghề đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang... phải làm việc ròng rã trong hơn một năm. Kinh phí xây dựng cổng Tam quan chùa Thanh Lương được trích từ nguồn xã hội hóa, do các Phật tử, doanh nghiệp ủng hộ.

Hiện nay, chùa Thanh Lương là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân, phục vụ nhu cầu tham quan, lễ Phật của du khách, góp phần phát triển du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nghi Xuân.

>> Cận cảnh cổng Tam quan có 16 trụ khổng lồ, được làm bằng gỗ lim bề thế bậc nhất Việt Nam

Ngôi chùa cổ gắn với một Danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam, sở hữu 3 bức tượng Phật dát vàng là bảo vật quốc gia

Ghé thăm ngôi chùa gốm sứ rộng 8.000m2 tại làng nghề gốm lâu đời nhất Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ngoi-chua-co-dac-dia-ben-dong-song-lam-do-hoang-tu-nha-ly-xay-dung-so-huu-cong-tam-quan-duoc-lam-bang-go-lim-khung-nhat-viet-nam-d116872.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Ngôi chùa cổ đắc địa bên dòng sông Lam do hoàng tử nhà Lý xây dựng, sở hữu cổng Tam quan được làm bằng gỗ lim 'khủng' nhất Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH