Xã hội

Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi từng là bảo vật trấn giữ long mạch, được vua Nguyễn xếp vào ‘20 cảnh đẹp đất Thần Kinh’

Thái Hà 29/11/2024 - 15:22

Đây là một trong hai ngôi Quốc tự (bên cạnh Sùng Hoá) ra đời sớm nhất tại Đàng Trong.

“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”

Câu ca dao quen thuộc ấy đã khắc sâu trong lòng người dân xứ Huế, như một lời khẳng định vẻ đẹp trường tồn của ngôi cổ tự Thiên Mụ. Có lẽ chính vì thế, vua Thiệu Trị (1807-1847), vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn, đã liệt chùa Thiên Mụ vào danh sách 20 thắng cảnh đẹp nhất đất Thần Kinh trong bài thơ nổi tiếng Thiên Mụ Chung Thanh. Đến ngày nay, ngôi chùa vẫn giữ nguyên vẻ đẹp huyền bí và quyến rũ.

Là một trong những biểu tượng không thể bỏ qua khi nhắc đến cố đô Huế, chùa Thiên Mụ thu hút hàng nghìn du khách trong hành trình khám phá vùng đất cố đô

Nguồn gốc hình thành của chùa Thiên Mụ

Chuyện kể rằng vào năm 1600, khi Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên của Đàng Trong – vừa nhậm chức trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông thường đích thân đi khắp nơi để xem xét địa thế, mở mang bờ cõi và xây dựng cơ đồ. Trong một lần xuôi thuyền trên sông Hương, ông bắt gặp ngọn đồi Hà Khê ở bờ Bắc, nơi dòng sông uốn lượn như con rồng ngoái đầu.

Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi từng là bảo vật trấn giữ long mạch, được vua Nguyễn xếp vào ‘20 cảnh đẹp đất Thần Kinh’ - ảnh 1

Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, bên bờ sông Hương, tạo nên một khung cảnh đẹp mắt và trang nghiêm. Ảnh: Thái Hà

Tương truyền, dân trong vùng kể rằng đêm đêm có một bà tiên mặc quần xanh, áo đỏ xuất hiện trên đồi, báo mộng về sự xuất hiện của một vị minh chúa sẽ lập chùa, tụ linh khí để làm hùng mạnh nước Nam.

Nghe chuyện, Nguyễn Hoàng vô cùng vui mừng. Năm 1601, ông cho xây dựng ngôi chùa trên ngọn đồi và đặt tên là Thiên Mụ (nghĩa là “Bà mụ nhà trời”). Đến năm 1862, vì kiêng kỵ chữ “Thiên” (trời), vua Tự Đức đổi tên chùa thành Linh Mụ (nghĩa là “Bà mụ linh thiêng”).

Theo các nhà nghiên cứu, việc xây dựng chùa Thiên Mụ và chùa Sùng Hóa (1602) là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu vùng đất khai nghiệp của dòng họ Nguyễn. Đây là nơi Nguyễn Hoàng lập phủ ở Kim Long, đặt nền móng cho sự hình thành Kinh đô Phú Xuân (TP. Huế ngày nay). Đồng thời, câu chuyện huyền bí về “Bà Mụ” cũng là một cách để chúa Nguyễn củng cố niềm tin, thu phục nhân tâm trong bối cảnh vùng Thuận Hóa khi đó là nơi cư dân hỗn tạp, lưu dân, thậm chí là những thành phần trộm cướp từ khắp nơi kéo về sinh sống.

Vẻ đẹp vượt thời gian

Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi từng là bảo vật trấn giữ long mạch, được vua Nguyễn xếp vào ‘20 cảnh đẹp đất Thần Kinh’ - ảnh 2

Chùa sở hữu địa thế “sơn thủy hữu tình” khi nhìn ra sông Hương và dãy Trường Sơn. Ảnh: Thái Hà

Ngày nay, chùa Thiên Mụ tọa lạc trên ngọn đồi Hà Khê, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây, bên dòng sông Hương thơ mộng. Địa thế của ngôi chùa là sự hòa quyện tuyệt đẹp giữa thiên nhiên và kiến trúc: phía trước là sông nước xanh trong, xa xa là dãy Trường Sơn, phía sau là hồ nước và đồi thấp tạo thế “sơn thủy hữu tình”.

Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi từng là bảo vật trấn giữ long mạch, được vua Nguyễn xếp vào ‘20 cảnh đẹp đất Thần Kinh’ - ảnh 3

Cổng tam quan và văn bia chùa Thiên Mụ. Ảnh: Thái Hà

Nhìn từ xa, khuôn viên chùa mang dáng hình một con rùa khổng lồ, lưng cõng ngôi cổ tự đang uống nước từ dòng sông Hương. Địa thế này không chỉ khiến ngôi chùa thêm phần uy nghi mà còn mang đậm ý nghĩa phong thủy.

Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi từng là bảo vật trấn giữ long mạch, được vua Nguyễn xếp vào ‘20 cảnh đẹp đất Thần Kinh’ - ảnh 4

Tháp Phước Duyên – biểu tượng của chùa Thiên Mụ. Ảnh: Thái Hà

Chùa Thiên Mụ được chia thành hai khu vực chính. Khu vực phía trước tượng trưng cho đầu rùa, bao gồm những công trình như bia đá, chuông đồng và đặc biệt là tháp Phước Duyên – biểu tượng của chùa.

Tháp cao 21m, có 7 tầng, mỗi tầng đều thờ tượng Phật. Bên trong, cầu thang xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có đặt tượng Phật bằng vàng.

Các tầng tháp có cửa sổ trang trí bằng đồng, giúp ánh sáng tự nhiên len lỏi vào trong, tạo nên một không gian linh thiêng. Từ đỉnh tháp, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát dòng sông Hương và dãy Trường Sơn mờ xa. Hai bên tháp là nhà bia và lầu chuông, nơi treo quả đại hồng chuông với họa tiết tinh xảo, mang đến vẻ đẹp vừa trang nghiêm vừa huyền bí.

Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi từng là bảo vật trấn giữ long mạch, được vua Nguyễn xếp vào ‘20 cảnh đẹp đất Thần Kinh’ - ảnh 5

Đại hồng chung chùa Thiên Mụ. Ảnh: Thái Hà

Khu vực phía sau, tượng trưng cho thân rùa, là nơi đặt các kiến trúc điện thờ, nhà tăng và khu vườn yên tĩnh. Toàn bộ khuôn viên được bao bọc bởi thiên nhiên, tạo cảm giác thanh bình, thơ mộng.

Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi từng là bảo vật trấn giữ long mạch, được vua Nguyễn xếp vào ‘20 cảnh đẹp đất Thần Kinh’ - ảnh 6
Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi từng là bảo vật trấn giữ long mạch, được vua Nguyễn xếp vào ‘20 cảnh đẹp đất Thần Kinh’ - ảnh 7

Ngôi chánh điện được xây theo kiểu nhà rường truyền thống Huế nhưng có sự ảnh hưởng của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Ảnh: Thái Hà

Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ vẫn giữ được vị thế là ngôi chùa cổ nhất và đẹp nhất xứ Huế. Dưới triều Tây Sơn, chùa bị triệt bỏ một phần để đắp thành đàn tế Xã Tắc của vua Cảnh Thịnh. Đến triều Nguyễn, năm 1815, vua Gia Long đã cho dựng lại chùa Thiên Mụ.

Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi từng là bảo vật trấn giữ long mạch, được vua Nguyễn xếp vào ‘20 cảnh đẹp đất Thần Kinh’ - ảnh 8

Mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu. Ảnh: Thái Hà

Theo Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, đặc biệt, năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây dựng thêm một số công trình phía trước tam quan chùa, nổi bật là dựng tháp Phước Duyên để thờ “Quá khứ thất Phật”.

Trước tháp lại dựng đình Hương Nguyện, hai bên đình xây thêm hai bi đình dạng lục giác, bi đình bên phải dựng tấm bia khắc những bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị, bị đình bên trái dựng bia nói về việc xây tháp Phước Duyên, ba mặt trước cửa tam quan được xây thêm một vòng thành thấp, gắn gạch hoa tráng men đúc rỗng, mặt trước dựng bốn trụ hoa biểu cao 7,7m trên 2 bậc thềm, bậc dưới 7 bậc cấp, bậc trên 49 bậc cấp.

Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi từng là bảo vật trấn giữ long mạch, được vua Nguyễn xếp vào ‘20 cảnh đẹp đất Thần Kinh’ - ảnh 9

Chùa Thiên Mụ sở hữu những nét kiến trúc cổ kính, uy nghiêm, cảnh trí thơ mộng, hùng vĩ. Ảnh: Thái Hà

Chùa Thiên Mụ không chỉ là biểu tượng văn hóa, tôn giáo của xứ Huế mà còn là một minh chứng sống động cho lịch sử huy hoàng của các chúa Nguyễn trong hành trình khai phá và lập nghiệp tại Đàng Trong. Đây thực sự là một điểm đến không thể bỏ qua, nơi lưu giữ linh hồn của vùng đất cố đô.

>> Bí ẩn về lịch sử của chùa Chân Tiên - ngôi chùa gần nghìn năm tuổi từng sở hữu bảo vật trong ‘An Nam tứ đại khí’

Ngôi chùa cổ hơn 700 năm tuổi được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, lưu giữ kho mộc bản với 3.050 bản ván khắc, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Ngôi chùa cổ gần 1.000 năm tuổi tọa lạc trên đỉnh núi, lưu giữ bảo vật quốc gia quý giá, được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ngoi-chua-hon-400-nam-tuoi-tung-la-bao-vat-tran-giu-long-mach-duoc-vua-nguyen-xep-vao-20-canh-dep-dat-than-kinh-131253.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi từng là bảo vật trấn giữ long mạch, được vua Nguyễn xếp vào ‘20 cảnh đẹp đất Thần Kinh’
    POWERED BY ONECMS & INTECH