Ngôi chùa nằm trong quần thể 5.100ha lớn nhất thế giới của Việt Nam có niên đại hơn 1.000 năm, tọa lạc ở vị trí đặc biệt 'mặt hướng hồ lưng tựa núi'

02-03-2024 00:05|Hải Yến

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đây là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại, được mệnh danh "Hạ Long trên cạn".

Chùa Tam Chúc - Hà Nam nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, được xem như là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến hiện tại, nằm trong quần thể di tích danh lam thắng cảnh Tam Chúc với diện tích hơn 5.100ha, bao gồm đất liền và mặt nước.

Ngôi chùa này được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo Việt Nam, kết hợp với những nét đặc trưng của các nền văn hóa Phật giáo khác như Ấn Độ, Nepal, Thái Lan... Chùa Tam Chúc thờ các vị Sư Tổ Đạt Ma, thiền sư Nguyễn Minh Không, thiền sư Khuông Việt, hòa thượng Thích Thanh Tứ, thiền sư Đỗ Pháp Thuận… là các vị quốc sư có công phát triển Phật giáo Việt Nam.

Chùa Tam Chúc nhìn từ trên cao

Chùa Tam Chúc nhìn từ trên cao

Thời điểm du lịch chùa Tam Chúc - Hà Nam lý tưởng nhất là vào mùa xuân, cụ thể là những tháng đầu năm, thời điểm của mùa lễ hội, từ mùng 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 Âm lịch, khí hậu mát mẻ, thêm vào đó, du khách có thể tham gia bái Phật, cầu mong tiền tài, phúc lộc.

Chùa Tam Chúc có gì?

1. Nhà khách Thủy Đình - chùa Tam Chúc

Đây sẽ là nơi đầu tiên bạn gặp khi đặt chân đến chùa Tam Chúc. Ghé địa điểm này check-in, mua vé lên thuyền, tham quan nội thất và tranh ảnh về chùa.

Nhà khách Thủy Đình

Nhà khách Thủy Đình

Bên trong Thủy Đình được bày biện rất trang nghiêm. Xung quanh đều có các bức tranh bằng đèn LED, mô tả cảnh quan toàn cảnh của khu du lịch tâm linh Tam Chúc.

2. Cổng Tam Quan

Cổng Tam Quan - chùa Tam Chúc được xây dựng rất lớn. Trước cổng là bến thuyền và điểm trả khách của xe điện. Xe ôm dù không được chạy vào khu vực này nhưng khi đến đây thì du khách vẫn thấy xuất hiện, có thể là các tài xế xe ôm "chạy chui". Điều này cũng thuận tiện cho các du khách vào đợt lễ Tết, vì tình trạng du khách đến tham quan quá đông; xe điện và thuyền hoạt động liên tục và có tình trạng quá tải.

Hai bên cổng Tam quan là 2 con đường lớn để bạn đi bộ lên các chính điện lớn của chùa

Hai bên cổng Tam Quan là hai con đường lớn để bạn đi bộ lên các chính điện lớn của chùa Tam Chúc

Từ cổng Tam Quan đến điện Quan Âm, bạn sẽ đi qua 32 cột kinh hay còn gọi là Vườn Cột Kinh. Lấy ý tưởng từ Bảo vật quốc gia cột kinh chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình; Vườn Cột Kinh chùa Tam Chúc được phục dựng lại với quy mô không hề kém. Mỗi cột nặng chừng 200 tấn, được làm từ đá xanh Thanh Hóa. Các cột đá được thiết kế với chân cột là đài sen; thân cột hình lục giác, điêu khắc thủ công các lời Phật dạy; đỉnh cột là hình nụ sen.

3. Tam điện nguy nga và rộng lớn

Chùa Tam Chúc có 3 chính điện là; Điện Tam Thế, điện Pháp Chủ và điện Quan Âm. Mỗi điện sẽ thờ phụng một vị Phật mang ý nghĩa thiêng liêng riêng. Điểm chung duy nhất là cả 3 điện điều có 4 bức phù điêu được tạc thủ công bằng đá lấy từ miệng núi lửa của đất nước Indonesia.

Trên những bức phù điêu trong Phật điện Tam Chúc là tấm phù điêu mang một câu chuyện về cuộc đời Đức Phật. Các Bảo điện được dẫn lối bởi những bậc thang cao phía 2 bên. Càng đi lên cao thì cảnh sắc sẽ càng hấp dẫn hơn với những thác nước lớn chảy nhẹ và được bao quanh bởi những hàng cây xanh cùng nhiều loài hoa đẹp mắt.

Phía dưới mỗi bức tường đều có chú thích bằng 3 thứ tiếng

Phía dưới mỗi bức tường đều có chú thích bằng 3 thứ tiếng

Những phiến đá sau khi lấy ra từ miệng núi lửa cũng được tạc tại Indonesia, sau đó chuyển về chùa Tam Chúc và ráp lại thành bức tường. Nếu quan sát bằng mắt thường thì chúng ta có thể nhìn rõ những dấu tích của nham thạch để lại.

- Điện Quan Âm – chùa Tam Chúc

Điện Quan Âm – chùa Tam Chúc thờ Phật nghìn tay nghìn mắt. Đây là chính điện đầu tiên bạn gặp khi vừa đi qua cổng Tam Quan.

- Điện Pháp Chủ – chùa Tam Chúc

Tại Điện Pháp Chủ – chùa Tam Chúc bạn sẽ được mãn nhãn với pho tượng phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (nặng 200 tấn). Bảo điện được thiết kế hai tầng mái cong, cao 31m, mặt sàn rộng 3.000m2.

Ngay trước cửa điện có một bức tranh đá được điêu khắc vô cùng tỉ mỉ, mô phỏng cảnh sắc của chùa Tam Chúc.

Bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối hiện đã được đặt tại Bảo điện.

- Điện Tam Thế – chùa Tam Chúc

Cuối cùng là Điện Tam Thế – chùa Tam Chúc. Bạn sẽ chiêm ngưỡng ba pho tượng Phật lớn được làm bằng đồng đen ngay giữa chính điện. Ba pho Tam Thế là tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Phía sau mỗi pho tượng Phật đều có một bức phù điêu hình chiếc lá Bồ Đề.

Ở sân trước cửa điện Tam Thế có một cây Bồ Đề được trích ra từ cây Bồ Đề 2.125 năm tuổi. Loài cây này được coi là báu vật của đất nước Sri Lanka.

Ba pho tượng Phật Tam Thế được đặt tại chính điện

Ba pho tượng Phật Tam Thế được đặt tại chính điện

Theo sử sách, năm 247 (trước Công Nguyên), vua A Dục đã cho chiết một nhánh phía Nam của cây Bồ Đề thiêng ở Bodh Gaya – Ấn Độ (nơi Đức Phật thành đạo). Quốc đảo Sri Lanka được nhận được nhánh cây Bồ Đề quý từ công chúa Sanghamitta – do vua A Dục cử sang để trao tặng.

Cũng ở trước sân điện, được đặt chiếc vạc đồng đen khổng lồ cao chừng 4m. Trên các mặt của thân vạc đều được điêu khắc các danh lam thắng cảnh tâm linh nổi tiếng của Việt Nam và trích dẫn về thiền sư Nguyễn Minh Không - sư tổ chùa Bái Đính. Ở phần cuối cũng nhắc đến việc chùa Tam Chúc sẽ phục dựng tứ đại khí.

4. Chùa Ngọc - Đàn tế trời của chùa Tam Chúc

Đi qua Tam Điện chính, bạn leo bộ một đoạn khá là xa thì sẽ đến được chùa Ngọc. Nhiều bạn sẽ phải bỏ cuộc vì tính từ cổng Tam Quan, bạn càng đi sâu thì sẽ càng phải leo cao và đến được chùa Ngọc chính là một sự thử thách. Ngôi chùa được chế tác hoàn toàn từ đá granit và hoàn toàn không dùng bê tông, nên dù diện tích sàn chỉ có 13m2 nhưng ngôi chùa này có mức nặng khoảng 2.000 tấn.

Bên cạnh những báu vật vô giá đã kể trên, chùa Tam Chúc còn sở hữu thiên thạch mặt trăng có trọng lượng 5,5kg được đặt tên là “The Moon Puzzle” trị giá trên 600.000 USD, tương đương 14 tỷ đồng.

Chùa Ngọc

Chùa Ngọc

Khối đá thạch mặt trăng rơi từ không gian vũ trụ xuống sa mạc Sahara từ hàng nghìn năm trước, nó được tìm thấy vào năm 2017. Ngày 19/10/2018, tại Trung tâm đấu giá RR Auction, bang Boston (Mỹ), doanh nghiệp Xuân Trường tại Ninh Bình đã trúng đấu giá khối đá này và được trưng bày tại chùa Tam Chúc.

5. Đình Tam Chúc

Ngôi đình Tam Chúc thờ Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt. Đây là một ngôi đình nằm giữa hồ nước rộng lớn, lưu giữ những dấu tích cổ từ thời vua Đinh.

Đình Tam Chúc

Đình Tam Chúc

Đình Tam Chúc nối với chùa Tam Chúc bằng một cây cầu dích dắc bắc ngang qua hồ Lục Ngạn. Mặt hồ có 6 quả núi nhỏ nhô lên, đây cũng là hồ nước tự nhiên lớn nhất nước ta. Dưới đáy hồ có rất nhiều loài động thực vật thiên nhiên sinh sống. Vào mùa sen nở, dạo bước trên hồ, du khách sẽ như được lạc vào chốn tiên cảnh bình yên.

>> Ngôi chùa trắng như tuyết lọt top những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, nổi bật với cây cầu ‘luân hồi tái sinh’ độc nhất vô nhị

Ngôi chùa được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, lưu giữ bảo vật Cửu phẩm liên hoa chỉ có ở Việt Nam

Ngôi chùa Sinh Tồn rộng 500m2 nằm trên quần đảo xa bờ nhất Việt Nam, nhiều chi tiết đều được in Quốc huy của đất nước

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ngoi-chua-nam-trong-quan-the-5100ha-lon-nhat-the-gioi-cua-viet-nam-co-nien-dai-hon-1000-nam-toa-lac-o-vi-tri-dac-biet-mat-huong-ho-lung-tua-nui-d117124.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngôi chùa nằm trong quần thể 5.100ha lớn nhất thế giới của Việt Nam có niên đại hơn 1.000 năm, tọa lạc ở vị trí đặc biệt 'mặt hướng hồ lưng tựa núi'
    POWERED BY ONECMS & INTECH