Ngôi nhà 'lọt thỏm' giữa vòng xoay cao tốc vì chủ nhà không chịu di dời, ngốn thêm 364 tỷ đồng của chủ đầu tư
Mỗi mùa mưa đến, nước ngập dâng cao khiến căn nhà biến thành ao tù. Năm 2018, khi bão số 22 đổ bộ, cả gia đình phải chạy lên tầng cao để tránh ngập.
Theo Sohu, tại Trung Quốc, hình ảnh những “ngôi nhà đinh” - chỉ các hộ dân kiên quyết không chịu di dời khỏi khu đất giải tỏa, đã không còn xa lạ. Dù được đề nghị đền bù với mức giá cao, nhiều gia đình vẫn cương quyết bám trụ, bất chấp tiến độ quy hoạch. Trường hợp “tòa nhà đinh” nổi tiếng ở số 28 phố Vĩnh Hưng, TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, là một ví dụ điển hình.

Năm 2008, chính quyền Quảng Châu khởi công dự án đường hầm vượt sông Zhoutouzui nhằm kết nối hai quận Hải Châu và Lệ Loan. Dự án dài 3,25km, trong đó tuyến đầu nối với đường hầm tại quận Hải Châu đi qua phố Vĩnh Hưng, nơi tọa lạc của một tòa chung cư 8 tầng - nơi ông Quách và gia đình đang sinh sống.
Phần lớn cư dân tại tòa nhà đã đồng thuận di dời sau khi được đền bù với hai phương án là nhận nhà tái định cư có diện tích tương đương hoặc nhận tiền mặt. Tuy nhiên, gia đình ông Quách là trường hợp duy nhất từ chối cả hai đề xuất.
Nguyên nhân xuất phát từ thực tế cả 7 thành viên trong gia đình đang sống trong căn hộ chỉ vỏn vẹn 30m². Ông cho rằng, nếu chuyển đến nhà tái định cư có diện tích tương tự thì vẫn không giải quyết được tình trạng chật chội, trong khi khoản đền bù dưới 1 triệu NDT (khoảng 3,6 tỷ đồng) cũng không đủ để mua một căn nhà khang trang hơn.
Gia đình ông yêu cầu được đền bù bằng 3 căn hộ với tổng diện tích tương đương, nhằm đảm bảo không gian sống riêng cho từng người. Khi đề nghị này bị từ chối, ông Quách tiếp tục nâng mức bồi thường lên 10 triệu NDT (hơn 36 tỷ đồng). Tuy nhiên, con số này bị nhà đầu tư cho là vô lý và thẳng thừng bác bỏ.


Không đạt được thỏa thuận với hộ dân cuối cùng, chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh thiết kế. Giải pháp xây cầu vượt 360 độ bao quanh toàn bộ tòa nhà 8 tầng được thông qua, với chi phí thi công lên tới 100 triệu NDT (hơn 364 tỷ đồng).
Suốt quá trình thi công, chủ đầu tư vẫn duy trì lối đi riêng cho gia đình ông Quách, đồng thời không cắt điện, nước hay internet để đảm bảo sinh hoạt bình thường. Dù hệ thống cách âm đã được lắp đặt, tiếng ồn, khói bụi và sự rung lắc vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của 7 thành viên.
Khi công trình gần hoàn tất, phía chủ đầu tư đưa ra mức đền bù 2 triệu NDT (hơn 7 tỷ đồng), gấp đôi đề nghị ban đầu, để gia đình ông Quách có thể chuyển đến nơi ở mới khang trang hơn. Tuy nhiên, ông vẫn không đồng ý và tiếp tục đòi 100 triệu NDT, tương đương chi phí xây dựng cả cây cầu. Yêu cầu này bị coi là phi thực tế, khiến chủ đầu tư quyết định chấm dứt thương lượng.
Nhận thấy không còn khả năng đạt được khoản đền bù lớn, gia đình ông Quách chấp nhận hạ mức yêu cầu xuống còn 2 căn hộ. Nhưng lúc này, công trình đã hoàn tất và chủ đầu tư không còn nhu cầu thương lượng.

Kể từ đó, gia đình ông Quách tiếp tục sống trong căn hộ cũ tối tăm, ẩm thấp, ngày đêm đối mặt với tiếng ồn xe cộ và mùi hôi từ cống rãnh. Mỗi mùa mưa đến, nước ngập dâng cao khiến căn nhà biến thành ao tù. Năm 2018, khi bão số 22 đổ bộ, cả gia đình phải chạy lên tầng cao để tránh ngập.
Sau hơn một thập kỷ bám trụ, gia đình ông Quách có ý định chuyển đi nhưng không thực hiện được. Giá bất động sản tại Quảng Châu lúc này đã tăng chóng mặt, khiến họ phải tự xoay xở toàn bộ kinh phí, điều gần như bất khả thi đối với một tài xế có thu nhập thấp như ông Quách.
Trong khi đó, cầu vượt 360 độ - giải pháp buộc phải áp dụng để né “ngôi nhà đinh”, ngày nay lại trở thành biểu tượng kiến trúc độc đáo của Quảng Châu. Khi màn đêm buông xuống, ánh đèn rực rỡ biến nơi đây thành điểm đến thu hút du khách tham quan, chụp ảnh.
Sự sầm uất và hiện đại của thành phố càng làm nổi bật sự đối lập với căn chung cư cũ kỹ, tối tăm, nơi gia đình ông Quách vẫn kiên quyết bám trụ, như một mảng tối cô lập giữa ánh sáng rực rỡ của đô thị.