Xã hội

'Người đàn ông đẹp nhất' của điện ảnh Việt Nam từng theo Bác Hồ sang Trung Quốc, hợp tác với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bộ phim để đời

Đại Dương 08/10/2024 12:19

Trong suốt những năm theo đuổi sự nghiệp điện ảnh, nam nghệ sĩ đã cống hiến ở cả vai trò diễn viên lẫn đạo diễn, để lại nhiều tác phẩm tạo dấu mốc quan trọng với nền nghệ thuật nước nhà.

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Phương, sinh năm 1930 và lớn lên tại Thái Nguyên. Từ khi còn rất trẻ, ông đã tham gia kháng chiến, học nghề thợ tiện và làm việc tại xưởng quân giới do Giáo sư Trần Đại Nghĩa chỉ đạo.

Đến năm 1947, ông cùng đồng đội tại xưởng quân giới chuyển lên Bắc Kạn. Năm 1952, trong một lần thử đạn, ông không may bị thương và mất một ngón tay, từ đó được phép rời xưởng để trở về Thái Nguyên, làm công tác hậu cần tại Trường Văn nghệ nhân dân Liên khu Việt Bắc.

Nghệ sĩ Trần Phương thời trẻ. Ảnh: Internet

Nghệ sĩ Trần Phương thời trẻ. Ảnh: Internet

Tại Trường Văn nghệ nhân dân Liên khu Việt Bắc, NSND Trần Phương có cơ hội tiếp xúc với nhiều tên tuổi lớn của văn đàn Việt Nam như Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân... Chính từ đây, ông đã "chạm ngõ" với nghệ thuật thứ bảy như một mối duyên định sẵn.

Ban đầu, NSND Trần Phương học chèo và đã có dịp cùng đồng nghiệp theo Bác Hồ sang Trung Quốc diễn vào năm 1955. Sau này, đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa Trần Phương đến với điện ảnh khi giới thiệu cho ông xem một số bộ phim của Nga, Trung Quốc.

NSND Trần Phương thuộc thế hệ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, cùng với nhiều đồng nghiệp chuyển từ sân khấu sang điện ảnh. Với kiến thức diễn xuất trong nghệ thuật chèo được Thế Lữ chỉ dạy, Trần Phương đã vận dụng hiệu quả vào lĩnh vực điện ảnh, tạo nên phong cách diễn xuất độc đáo và phù hợp với thời kỳ ban đầu của ngành.

Trần Phương trong Vợ chồng A Phủ. Ảnh: Internet

Trần Phương trong Vợ chồng A Phủ. Ảnh: Internet

Năm 1959, ông tham gia đóng bộ phim đầu tiên Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc, kịch bản Tô Hoài. Vai diễn này đã giúp Trần Phương trở thành một trong những gương mặt nổi bật của xưởng phim ngày ấy. Để đóng vai diễn A Phủ, ông đã phải sinh sống, trải nghiệm cuộc sống của đồng bào người Mông để lấy kinh nghiệm thực tế đưa vào phim.

Sau vai diễn A Phủ, NSND Trần Phương tiếp tục ghi dấu ấn với các vai diễn như Khoa - chồng Tư Hậu trong "Chị Tư Hậu" (1963), Khiêm trong "Tiền tuyến gọi" (1969), Sơn trong "Biển gọi" (1970),… Ông đã diễn cùng các ngôi sao nữ nổi tiếng như NSND Trà Giang, Tuệ Minh... Với mỗi vai diễn, dù là dạng vai nào hay ở lứa tuổi nào, Trần Phương luôn coi đó là một trải nghiệm mới.

Đặc biệt, NSND Trần Phương cũng được mệnh danh là “người đàn ông đẹp nhất” của điện ảnh Việt Nam một thời khi mang trong mình vẻ đẹp khỏe khoắn đầy nam tính và giàu chất trí tuệ.

Bìa DVD phim Tội lỗi cuối cùng. Ảnh: Internet

Bìa DVD phim Tội lỗi cuối cùng. Ảnh: Internet

Sau khi tạo dựng được nhiều dấu ấn qua các vai diễn, NSND Trần Phương quyết định thử sức ở vai trò đạo diễn. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với vị trí phó đạo diễn cho các bộ phim "Chuyến xe bão táp" và "Những người đã gặp", trước khi chuyển sang đạo diễn những tác phẩm như "Mưa rơi trên thành phố" và "Dưới chân núi trắng".

Năm 1980, bộ phim "Tội lỗi cuối cùng" của đạo diễn Trần Phương đã tạo nên "cơn sốt" vé tại các rạp chiếu ở cả miền Nam và miền Bắc. Trong bộ phim này, diễn viên Phương Thanh đóng vai Hiền "cá sấu", còn nam tài tử Trần Quang đóng vai tướng cướp Long Vân. Bộ phim còn có sự tham gia diễn xuất và viết ca khúc Đời gọi em biết bao lần của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với thông điệp nhân văn cùng màn trình diễn ấn tượng của dàn diễn viên, bộ phim đã giúp ông giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V.

NSND Trần Phương bên bạn bè, người thân. Ảnh: Internet

NSND Trần Phương bên bạn bè, người thân. Ảnh: Internet

Từ năm 1981 đến 1989, đạo diễn Trần Phương tiếp tục ra mắt nhiều tác phẩm điện ảnh đáng chú ý, trong đó có "Hy vọng cuối cùng" (1981), "Đứng trước biển" (1985), "Hoàng Hoa Thám" (1987) và "Dòng sông hoa trắng" (1989)... Những bộ phim này không chỉ thể hiện tài năng của ông mà còn góp phần làm phong phú thêm nền điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn đó.

Trong thập niên 1990, đạo diễn Trần Phương đã cho ra mắt nhiều bộ phim đạt doanh thu cao, bao gồm: "Vụ án Hồ Con Rùa", "Dòng thác", "SBC" (Săn bắt cướp), "Thủ môn từ trên trời rơi xuống", "Tình ngỡ đã phôi phai", "Vệt sáng ngược", "Hai năm nữa anh về"...

Năm 2001, ông vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Đến năm 2007, Trần Phương nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho những cống hiến của mình qua các bộ phim "Hy vọng cuối cùng", "Tội lỗi cuối cùng" và "Dòng sông hoa trắng".

Nghệ sĩ nhân dân Trần Phương (bìa phải) cùng vợ con. Ảnh: Internet

Nghệ sĩ nhân dân Trần Phương (bìa phải) cùng vợ con. Ảnh: Internet

Đối với nhiều nghệ sĩ, Trần Phương không chỉ là một người thầy mà còn là người cha, một nghệ sĩ vĩ đại. Ông đã tận tâm hướng dẫn và dìu dắt nhiều thế hệ diễn viên bước vào nghề với sự ân cần và chân thành. Ngày 26/8/2020, NSND Trần Phương từ biệt nhân gian ở tuổi 91. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho nhiều người, đồng thời là một tổn thất lớn đối với nghệ thuật Việt Nam.

>> Nữ NSND được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, là 'huyền thoại sống' của ngành piano Việt Nam, mẹ là danh cầm từng chơi đàn cho Bác Hồ nghe tại Paris

Nam NSND mang quân hàm Đại tá công an là ‘ông trùm phản diện’ hàng đầu phim Việt, đất đai, nhà cửa không thiếu nhưng vẫn ở nhà 41m2 cùng gia đình 3 thế hệ

Gia đình duy nhất Việt Nam có 2 vợ chồng cùng được phong tặng NSND đợt đầu tiên, chồng là người sáng lập nền Kịch nói tại Việt Nam, vợ là diễn viên gạo cội

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nguoi-dan-ong-dep-nhat-cua-dien-anh-viet-nam-tung-theo-bac-ho-sang-trung-quoc-hop-tac-voi-nhac-si-trinh-cong-son-trong-bo-phim-de-doi-d135302.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Người đàn ông đẹp nhất' của điện ảnh Việt Nam từng theo Bác Hồ sang Trung Quốc, hợp tác với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bộ phim để đời
    POWERED BY ONECMS & INTECH