Nhân vật

Người đàn ông được mệnh danh là 'cụ tổ ngành giáo dục Nam Kỳ' - nhà sư phạm đi trước thời đại, một đời đau đáu vì sự nghiệp trồng người

Thùy Dung 03/01/2024 - 09:04

Ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho sự học, gieo mầm tri thức cho đất Gia Định.

Từ chối danh lợi, lui về ở ẩn để rèn luyện nhân tài

Dù được xem là một nhà nho lớn nhưng nhiều tài liệu cho rằng chưa rõ năm sinh danh sư Võ Trường Toản, cũng có ý kiến cho rằng ông sinh vào năm 1709. Theo sách "Đại Nam nhất thống chí", tổ tiên Võ Trường Toản gốc ở miền Trung, sau di cư vào Nam theo làn sóng chung, được khởi phát mạnh mẽ kể từ năm 1623, thời điểm người Việt chính thức vào xứ Đồng Nai, Gia Định lập nghiệp. Theo sách "Địa chí Bến Tre" thì Võ Trường Toản sống vào thế kỷ 18, người làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám ở quận 3 và 10 của TP HCM.

Sinh ra gặp thời loạn thế, là bậc hiền tài hiếm có nhưng Võ Trường Toản không màng công danh, sự nghiệp, ông từ chối ra làm quan cho cả triều Tây Sơn và Chúa Nguyễn về quê ở ẩn, mở trường đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông coi đó là trách nhiệm của kẻ sĩ.

Võ Trường Toản mở trường dạy học hàng trăm học sinh mà khuôn viên nay là đình Chí Hòa trong con hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP HCM. Những học trò xuất sắc mà nổi tiếng nhất lúc bấy giờ của cụ Võ Trường Toản là "Gia Định tam bảo" hay còn gọi "Gia Định tam gia", tức ba ông Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh - 3 quan văn đại thần đắc lực của vua Gia Long, có nhiều công lao đối với sự phát triển của Nam Bộ xưa. Thơ văn của họ được in thành sách Gia Định tam gia thi cập còn truyền đến nay.

Võ Trường Toản đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục tại Nam Kỳ

Võ Trường Toản đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục tại Nam Kỳ

Chẳng những các học trò chịu ảnh hưởng sâu sắc, những người thuộc thế hệ sau như Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân... cũng được cho là ít nhiều chịu ảnh hưởng về đạo đức, khí chất của nhà giáo Võ Trường Toản. Họ đã giữ tròn tiết tháo khi nước nhà bị xâm lược, không làm hổ thẹn danh tiếng sĩ phu Nam Bộ.

Bằng đức độ và tài năng, Võ Trường Toản cùng những học trò của mình khai thông đạo học, mở mang tri thức xứ sở, giáo hóa dân chúng, làm cho miền Nam trở nên đoàn kết, gắn bó với quốc gia, trung nghĩa liều mình khi nước mất nhà tan.

Triết lý giáo dục đi trước thời đại

Suốt cuộc đời, Võ Trường Toản cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Ông là một nhà sư phạm mẫu mực, tận tụy với nghề dạy học, không ham công danh, sự nghiệp chỉ đau đáu một việc “dạy chữ, dựng người”. Việc có nhiều nhân tài thành danh, cống hiến cho đất nước trưởng thành từ mái trường của ông đã thực sự chứng tỏ uy tín và đạo đức của ông.

Không giống các nhà Nho cùng thời, Võ Trường Toản có tư tưởng giáo dục tiến bộ, đi trước thời đại. Ông chủ trương dạy theo phương pháp “nghĩa lý để giáo hóa”. Khi giảng với học trò về sách Đại học, một sách trong Tứ thư, ông nói rõ: "Sách Đại học một nghìn bảy trăm chữ, tán ra gồm vô số sự vật, tóm lại còn 200 chữ, tóm nữa thì còn một chữ, tóm lại nữa một chữ cũng không".

Tượng đài Võ Trường Toản tại Ba Tri, Bến Tre

Tượng đài Võ Trường Toản tại Ba Tri, Bến Tre

Nghĩa là cần thấu triệt nội dung cuốn sách, không nên học vẹt từng câu, từng chữ, câu nệ tiểu tiết. Đó gọi là “tri ngôn dưỡng khí”. Tư tưởng này của ông ảnh hưởng sâu sắc đến những nho sĩ tài danh thế hệ hậu bối như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân...

Soi vào thực tiễn ngành giáo dục nước ta hiện nay, triết lý dạy học “nghĩa lý để giáo hóa” của Võ Trường Toản vẫn còn nguyên giá trị. Học cốt ở tinh thần, tư tưởng chứ không phải học theo kiểu rập khuôn máy móc để rồi tự đánh mất khả năng tư duy, sáng tạo.

Võ Trường Toản chú trọng hướng con người đến lễ nghĩa, nhân hậu, chí khí. Ông chủ yếu truyền dạy tư tưởng Nho gia cho học trò.

Đại thần Phan Thanh Giản từng viết về Võ Trường Toản Từ khi tiên sinh đem cái học nghĩa lý ra dạy người, chẳng những đương thời nung đúc được nhiều nhân tài mà do sự truyền thuật giảng dụ mài dũa, đến giờ dân lục tỉnh trung nghĩa cảm phát, liều chẳng tiếc mình. Tuy vì thâm nhận hậu trạch của triều đình cố kết lòng người, nhưng cũng há chẳng do công khai đạo của tiên sinh từ xưa để lại mới được như thế này ư”.

Võ Trường Toản dẫn dắt học trò đi theo con đường của một nhà nho chân chính: sống trong thời loạn lạc, dẫu có thất thế, sống ẩn dật cũng không thờ ở với vận mệnh nước nhà.

Theo lưu truyền, lúc ấy Chúa Nguyễn Ánh nghe danh tài đức của Võ Trường Toản, đã trân trọng mời ông ra tham chính, nhưng ông khước từ. Bù lại, ông dâng 10 kế sách giúp an dân, trị quốc; đào tạo nhiều học trò có tài đức giúp Chúa Nguyễn khôi phục cơ nghiệp, xây dựng, phát triển, đất nước…

Đền thờ nhà giáo Võ Trường Toản được người dân lập ra để ghi nhớ công lao của ông

Đền thờ nhà giáo Võ Trường Toản được người dân lập ra để ghi nhớ công lao của ông

Những tác phẩm của Võ Trường Toản hầu hết đã bị thất truyền, ông không ra làm quan nên không có ghi nhận về sự nghiệp quan trường. Đóng góp lớn lao nhất của ông đối với nền giáo dục nước nhà được ghi nhận qua thế hệ học trò tài danh ông tận tâm đào tạo, là sự giáo hóa dân chúng lục tỉnh Nam kỳ thấm nhuần văn đạo, đoàn kết, vì nghĩa lớn quên mình.

Có thể nói rằng, những kinh nghiệm sư phạm của Võ Trường Toản được vận dụng mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho công tác giáo dục hiện tại, qua đó khẳng định những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà theo chiều dài lịch sử.

>> Cuộc đời nữ nhà giáo đầu tiên của Việt Nam: Là vợ của danh nhân kiệt xuất được UNESCO vinh danh, dính đại án ‘tru di tam tộc’ hơn 500 năm mới được gột rửa

Nhà bác học thiên tài duy nhất Việt Nam thạo 26 thứ tiếng ở tuổi 25, được tôn vinh là nhà bác học thế giới thế kỷ XIX

Trường đại học Việt Nam vừa đón hai Phu nhân Chủ tịch nước ghé thăm: Nằm trong top 70 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới, sở hữu đô thị đại học quy mô gấp đôi quận Hoàn Kiếm

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nguoi-dan-ong-duoc-menh-danh-la-cu-to-nganh-giao-duc-nam-ky--nha-su-pham-di-truoc-thoi-dai-mot-doi-dau-dau-vi-su-nghiep-trong-nguoi-d113935.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người đàn ông được mệnh danh là 'cụ tổ ngành giáo dục Nam Kỳ' - nhà sư phạm đi trước thời đại, một đời đau đáu vì sự nghiệp trồng người
    POWERED BY ONECMS & INTECH