Người đàn ông trầm cảm, mất ngủ suốt 32 năm vì bị sếp mắng oan
Bác sĩ nhận định nhiều năm mất ngủ và trầm cảm đã trở thành nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson cho người đàn ông này.
Theo Kênh Dân sinh Hà Nam, một người đàn ông họ Vương đang sinh sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc mới đây đã đến bệnh viện điều trị chứng mất ngủ kéo dài. Ông tin rằng tình trạng này bắt nguồn từ một sự việc xảy ra cách đây 32 năm, khi ông bị sếp của mình đổ lỗi vô cớ.
"Đó không phải lỗi của tôi, nhưng sếp vẫn phạt nên tôi rất buồn về chuyện này từ đó đến giờ, ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần", ông Vương chia sẻ với bác sĩ. Kể từ đó, ông thường xuyên phải dùng thuốc mới có thể ngủ được, trí nhớ suy giảm, kèm theo tình trạng chóng mặt và đau đầu.
Trong nhiều năm, ông Vương đã đến khám tại 6 bệnh viện khác nhau. Tuy nhiên, các loại thuốc được kê đơn chỉ giúp giảm nhẹ phần nào triệu chứng. Sau cùng, ông quyết định tìm đến liệu pháp châm cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hà Nam.
Tại đây, bác sĩ Ngưu Triều Dương thực hiện châm cứu vào nhiều huyệt vị trên não của ông. Bác sĩ nhận định rằng, nhiều năm mất ngủ cùng tình trạng trầm cảm kéo dài đã góp phần dẫn đến bệnh Parkinson – một căn bệnh thoái hóa não nghiêm trọng.
Parkinson là bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng như run rẩy, cử động chậm chạp và mất thăng bằng, thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Bệnh xảy ra khi các tế bào thần kinh sản xuất dopamine trong não bị tổn thương hoặc mất đi, nguyên nhân có thể liên quan đến thay đổi di truyền và yếu tố môi trường. Hiện nay, Parkinson vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn.
Tính đến năm 2023, trên thế giới có khoảng 9 triệu bệnh nhân Parkinson với các phương pháp điều trị chính hiện nay là dùng thuốc và phẫu thuật. Tuy nhiên, những liệu pháp bổ sung như y học cổ truyền đang ngày càng được quan tâm.
Sau hơn 20 ngày điều trị bằng phương pháp này, ông Vương cho biết ông đã có thể ngủ được vài tiếng mỗi ngày mà không cần dùng thuốc và cảm nhận rõ rệt sự cải thiện về sức khỏe.
Câu chuyện của ông Vương đã gây ra nhiều tranh cãi trên nền tảng mạng xã hội Weibo. Một người dùng bình luận: "Thật không đáng. Người đàn ông này đã tự hành hạ mình 32 năm vì lỗi lầm của sếp". Một ý kiến khác nhận xét: "Mở rộng tư duy rất quan trọng, nếu không, cơn giận cuối cùng sẽ làm hại chính cơ thể bạn."
Hiện tượng người lao động gặp căng thẳng tại nơi làm việc đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe không phải là hiếm tại Trung Quốc. Vào cuối tháng 10, trang tin Hongxing News đã đưa tin về một cô gái "hóa người gỗ" do bị sếp la mắng tại nơi làm việc. Những câu chuyện này đặt ra lời cảnh tỉnh về áp lực công việc và tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, cả trong và ngoài môi trường công sở.
Trước đó, câu chuyện của cô Li (20 tuổi, sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) cũng từng gây ra nhiều phản ứng trong dư luận. Sau khi thường xuyên bị người sếp trong nhóm la mắng, cô Li rơi vào tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Ban đầu, Li chỉ cảm thấy không vui, nhưng tình trạng tâm lý của cô ngày càng tệ hơn.
Cô Li bắt đầu xuất hiện nhiều biểu hiện tăng nặng như không muốn ăn uống, không trò chuyện, cơ thể cứng đờ đến mức nếu kê một chiếc gối dưới cổ và rút ra, đầu cô vẫn lơ lửng trên không trung thay vì hạ xuống tự nhiên, đến cả việc đi vệ sinh cũng cần có người trợ giúp.
Bác sĩ Jia Dehuan, người điều trị cho Li tại Bệnh viện Nhân dân số 8 Trịnh Châu mô tả tình trạng của cô là "trông giống như người gỗ" và chẩn đoán cô mắc hội chứng căng trương lực, một biểu hiện nghiêm trọng của bệnh trầm cảm.
Theo gia đình, Li vốn là một người rất hướng nội, ít mở lòng và không chia sẻ cảm xúc với ai, điều này khiến tình trạng của cô trở nên nặng nề hơn. Sau khi được bác sĩ tư vấn và điều trị, Li đã dần nhận thức rõ tình trạng của mình và bày tỏ mong muốn học cách kiểm soát tâm trạng tốt hơn.
Câu chuyện của Li là lời cảnh báo về tác động tiêu cực của áp lực công việc và môi trường xung quanh đối với sức khỏe tâm lý, đặc biệt là với những người hướng nội hoặc dễ bị tổn thương.
Nguồn: SCMP