Người duy nhất Việt Nam từng nhận 1 cân vàng cho mỗi vai diễn, nằm trong 'tứ đại mỹ nhân' Sài Gòn xưa, đoạt Ảnh hậu tại LHP quốc tế nhưng đời tư nhiều thăng trầm
Tuy có sự nghiệp rực rỡ nhưng nữ nghệ sĩ này gặp không ít trắc trở trong cuộc sống riêng.
Một trong những "tuyệt sắc giai nhân" của màn ảnh Việt xưa
Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thẩm Thúy Hằng, tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Từ khi còn nhỏ, bà đã cùng gia đình chuyển vào miền Nam sinh sống. Nhờ sở hữu nhan sắc tuyệt vời và khả năng diễn xuất ấn tượng, khi mới 16 tuổi, Thẩm Thúy Hằng đã xuất sắc vượt qua hơn 2.000 thí sinh để đoạt giải Nhất trong cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh do Hãng phim Mỹ Vân tổ chức.
Sau khi gây tiếng vang với vai diễn Tam Nương trong bộ phim Người đẹp Bình Dương của đạo diễn Năm Châu vào năm 1957, cô nhanh chóng trở thành ngôi sao được săn đón hàng đầu trong làng điện ảnh.
Thẩm Thúy Hằng ghi dấu ấn với hàng loạt vai diễn nổi bật, trong đó phải kể đến các bộ phim Tấm Cám, Sự tích trầu cau, Nửa hồn thương đau... Không chỉ nổi tiếng trong nước, nữ minh tinh còn mở rộng sự nghiệp quốc tế khi tham gia nhiều bộ phim hợp tác với các nước như Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản. Tên tuổi của bà không chỉ tỏa sáng tại Việt Nam mà còn được biết đến rộng rãi ở nhiều quốc gia trong khu vực.
Vào những năm đầu thập niên 1960, Thẩm Thúy Hằng là một trong những giai nhân được săn đón hàng đầu và được xem như biểu tượng nhan sắc. Bà tiết lộ rằng có thời điểm bà từng được trả cát-xê một triệu đồng cho một vai diễn (tương đương một cân vàng lúc bấy giờ).
Trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, Thẩm Thúy Hằng đã hai lần nhận giải Diễn viên xuất sắc Á châu tại Liên hoan phim Đài Bắc và đoạt danh hiệu Ảnh hậu Á châu tại Liên hoan phim Á châu được tổ chức tại Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc).
Không chỉ gặt hái được thành công trong lĩnh vực điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn đẩy mạnh các hoạt động ở mảng sân khấu và gặt hái được nhiều thành công vang dội. Vào thập niên 60, bà thành lập đoàn kịch riêng và ghi dấu ấn qua những vở diễn nổi bật như Người mẹ già, Suối tình, Đôi mắt bằng sứ...
Thập niên 70 chứng kiến giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp của Thẩm Thúy Hằng. Sau năm 1975, bà chính thức từ giã nghệ thuật sau vai diễn Phồn Y trong vở Lôi vũ trên sân khấu đoàn kịch Kim Cương, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.
Cuộc sống khép kín ở tuổi xế chiều
Khác xa với những mốc son rực rỡ trong sự nghiệp, đời tư của Thẩm Thúy Hằng lại chất chứa nhiều thăng trầm. Nữ minh tinh sinh năm 1940 lập gia đình lần đầu vào năm 1959 theo sự sắp đặt của gia đình. Vợ chồng bà có với nhau một cô con gái, song cuộc hôn nhân không kéo dài lâu. Sau 5 năm gắn bó, họ quyết định chia tay.
Năm 1968, Thẩm Thúy Hằng gặp ông Nguyễn Xuân Oánh, một Tiến sĩ kinh tế có địa vị cao trong xã hội. Bất chấp khoảng cách tuổi tác 19 năm, hai người đến với nhau và kết hôn vào năm 1970, sống một cuộc sống kín tiếng. Sau khi ông Oánh qua đời vào năm 2003, Thẩm Thúy Hằng càng thu mình lại, hạn chế tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Trong những bức ảnh hiếm hoi được truyền thông ghi lại, biểu tượng nhan sắc một thời không còn giữ được vẻ đẹp kiêu sa, diễm lệ của thời xuân sắc. Thay vào đó, gương mặt của bà có dấu hiệu biến dạng, in hằn dấu vết thời gian. Không ai biết chính xác "nữ hoàng sân khấu đèn màu" đã trải qua những gì dẫn đến sự thay đổi ngoại hình như vậy. Nhiều người cho rằng bà đã can thiệp thẩm mỹ để níu giữ tuổi xuân và sắc đẹp, nhưng không may gặp phải biến chứng. Dẫu vậy, Thẩm Thúy Hằng không bao giờ lên tiếng giải thích, chọn cách im lặng trước mọi lời đồn đoán.
Những năm cuối đời, Thẩm Thúy Hằng rời xa những ồn ào, thị phi của làng giải trí. Bà có cuộc sống lặng lẽ tại nhà riêng ở TP. HCM, nghiên cứu Thiền học, tìm kiếm sự bình yên thông qua Phật pháp, làm từ thiện. Tối ngày 6/9/2022, minh tinh lừng danh một thời đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, khép lại một cuộc đời vàng son đầy hào quang nhưng cũng nhiều thăng trầm.