Nữ nghệ sĩ duy nhất Việt Nam hai lần được phong ‘Đệ nhất diễn viên’, từng được mệnh danh là ‘tứ đại mỹ nhân’ nức tiếng Sài Gòn, tên tuổi sáng lòa ở Hollywood
Bà là nghệ sĩ duy nhất của Việt Nam có được thành công rực rỡ ở điện ảnh Hollywood.
Từng là một trong "tứ đại mỹ nhân" của Sài Gòn
Trước năm 1975, Kiều Chinh cùng Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga và Kim Cương được xem là "tứ đại mỹ nhân" của Sài Gòn, không chỉ nổi bật về nhan sắc mà còn về tài năng nghệ thuật. Trong số đó, Kiều Chinh gây ấn tượng sâu sắc với nhiều vai diễn trên màn ảnh, trở thành nữ diễn viên Việt Nam duy nhất được vinh danh tại Hollywood.
Sinh năm 1937 tại Hà Nội, Kiều Chinh là con út trong một gia đình trí thức. Mẹ mất sớm, cô lớn lên dưới sự chăm sóc của cha, ông Nguyễn Cửu, một viên chức tài chính cao cấp. Cha cô thường đưa cô đi xem phim tại các rạp lớn, đồng thời truyền đạt kiến thức về nghệ thuật.
Năm 1954, sau Hiệp định Geneva, theo sự chỉ dẫn của cha, Kiều Chinh rời Hà Nội vào Sài Gòn khi mới 16 tuổi. Sau đó, cô kết hôn với Nguyễn Năng Tế, con trai một người bạn của cha. Bước ngoặt đến vào năm 1957 khi đạo diễn Lê Dân mời cô đảm nhận vai chính trong phim Hồi chuông Thiên Mụ, mở ra một sự nghiệp điện ảnh rực rỡ. Thành công liên tiếp với các phim nổi tiếng như Mưa rừng, Ngàn năm mây bay và Người tình không chân dung.
Năm 1968, Kiều Chinh tham gia bộ phim Chuyện năm Dần do Mỹ sản xuất, đóng cùng tài tử Marshall Thompson. Ba năm sau, bà thủ vai công chúa Kamar Souria trong phim Ấn Độ Inside Out, đóng cặp với Rod Perry và Dev Anand. Vai diễn này giúp Kiều Chinh nổi tiếng tại Ấn Độ và được vinh danh tại nhiều sự kiện quốc tế.
Kiều Chinh đã để lại dấu ấn không chỉ với khán giả trong nước mà còn trên trường quốc tế, khẳng định vị thế của một ngôi sao sáng của điện ảnh Việt Nam trước năm 1975. Trước năm 1975, bà đã tham gia khoảng 22 bộ phim điện ảnh. Bên cạnh đó, bà còn góp mặt trong nhiều bộ phim quốc tế của Ấn Độ, Philippines, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Năm 1969 và 1973, Kiều Chinh được vinh danh là Đệ nhất diễn viên Việt Nam tại Đại hội Điện ảnh Á châu.
Nghệ sĩ Việt đầu tiên thành công tại Hollywood
Khi từ Canada sang định cư tại Mỹ, dù ở tuổi 38, nhưng Kiều Chinh quyết định đặt chân vào Hollywood. Bà bắt đầu từ cột mốc dưới số 0, vì xung quanh toàn gương mặt lừng danh. Từ những vai quần chúng cho đến có vài lời thoại, rồi những vai quan trọng, sự cố gắng của Kiều Chinh đã được nhiều nhà báo, nhà làm phim khâm phục, ca ngợi.
Năm 1996, Viện Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình Mỹ trao cho bà giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh: A Journey Home, một trong nhiều tác phẩm tôn vinh tinh thần nghệ thuật của bà. Năm 2003, Kiều Chinh nhận giải Thành tựu trọn đời tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế và giải Diễn xuất Đặc biệt tại Liên hoan phim Phụ nữ ở Torino, Ý. Năm 2021, bà tiếp tục được vinh danh với giải Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim Thế giới Châu Á ở Los Angeles.
Trong hơn 40 năm sự nghiệp tại Mỹ, Kiều Chinh đã tham gia hơn 100 phim và chương trình truyền hình, trong đó có The Letter, M.A.S.H, Vietnam-Texas, Face và Joy Luck Club. Vai diễn của bà trong Joy Luck Club còn đưa bà vào danh sách 50 diễn viên gây xúc động nhất lịch sử điện ảnh.
Bà trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1995 sau hơn 20 năm xa quê. Năm 2012, bà tham gia phim Ngọc Viễn Đông của Cường Ngô và năm 2014, bà đóng phim Đoạt Hồn của Hàm Trần tại Việt Nam, đồng thời xuất hiện trong NCIS: Los Angeles ở Mỹ. Bà còn đồng sản xuất phim Ride Thunder năm 2015.
Ngoài điện ảnh, Kiều Chinh còn là diễn giả nổi tiếng tại nhiều tổ chức văn hóa ở Mỹ. Bà vẫn được nhắc đến như một biểu tượng nhan sắc và tài năng của điện ảnh Việt Nam, nổi bật với niềm đam mê bất tận với nghề và là minh tinh Việt Nam thành công nhất tại Hollywood.
Mặc dù từng đứng trên đỉnh cao của danh vọng với hào quang lấp lánh, cuộc đời nghệ sĩ Kiều Chinh vẫn trải qua nhiều biến động. Để trở thành minh tinh duy nhất của Việt Nam được vinh danh tại Hollywood, bà đã phải đánh đổi rất nhiều, trải qua cả những ngọt bùi lẫn cay đắng. Trong đó, những ngày tháng đầu tiên đặt chân đến Canada vào năm 1975 có lẽ là giai đoạn u ám nhất trong cuộc đời bà.
Kiều Chinh từng chia sẻ: "Thời kỳ khó khăn, buồn nản nhất trong cuộc đời và sự nghiệp là sau biến cố 30/4/1975. Khi đó, tôi như một cái cây bị nhổ bật rễ từ mảnh đất quen thuộc, đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ, phải khóc cười trong những vai diễn bằng tiếng nước người".
Cho đến nay, danh tiếng của Kiều Chinh vẫn được thế giới ghi nhận. Bà trở thành biểu tượng rực rỡ của người Việt đầu tiên thành công tại Hollywood. Alison Leslie Gold, tác giả cuốn Nhật ký của Ann Frank, từng tôn vinh Kiều Chinh là "một phụ nữ phi thường," người đã sống như năm cuộc đời, làm chứng nhân cho những biến động lịch sử đầy tranh cãi. Với Alison, Kiều Chinh là người bạn chân thành, có nhan sắc quý phái và tài năng hiếm có.