Người phụ nữ kinh qua 4 đời Chủ tịch Sacombank (STB) và câu nói: 'Ngân hàng đã sẵn sàng chia cổ tức'
Sau hơn hai thập kỷ đồng hành cùng với Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm vừa được vinh danh tại một hạng mục cao quý. Đây là vị lãnh đạo đem đến niềm tin cho hơn 8 vạn cổ đông STB về ngày được chia cổ tức trở lại.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - nữ tướng 23 năm đồng hành cùng Sacombank
Tạp chí Fortune (Mỹ) vừa công bố Danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất châu Á 2024 (Fortune’s Most Powerful Women Asia 2024). Trong danh sách này, Việt Nam có ba đại diện gồm bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch VietJet Air (Mã VJC), bà Mai Kiều Liên - CEO Vinamilk (Mã VNM) và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - CEO Sacombank (Mã STB).
Từ trái sang phải: Bà Mai Kiều Liên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm |
Gia nhập Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín vào tháng 6/2002, đến nay, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đã có hơn hai thập kỷ gắn bó và cống hiến cho sự phát triển của Sacombank - một trong những ngân hàng được quan tâm hàng đầu trên thị trường chứng khoán.
Trong suốt thời gian công tác, bà Diễm đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc vùng, Giám đốc chi nhánh và Phó Tổng Giám đốc trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc từ tháng 7/2017 đến nay.
Dưới sự lãnh đạo của vị "nữ tướng", Sacombank đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình tái cấu trúc và phát triển bền vững. Bà nổi bật với khả năng quản lý chiến lược và tầm nhìn sắc bén, giúp ngân hàng đạt nhiều thành tựu quan trọng về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và hiệu quả quản trị.
Kinh qua 4 đời Chủ tịch HĐQT
Trong hơn hai thập kỷ này, bà diễm cùng với Sacombank đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển quan trọng dưới sự lãnh đạo của 4 đời Chủ tịch HĐQT.
Ông Đặng Văn Thành là người lãnh đạo cao nhất tại STB giai đoạn 2002-2012. Vị doanh nhân chính là người sáng lập Sacombank trước khi nâng tầm ngân hàng trở thành một trong những NHTM lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên vào năm 2012, ông Thành từ chức giữa những biến động trong hệ thống.
Sau sự rời đi của "vua mía đường", ông Phạm Hữu Phú là người kế nhiệm ghế Chủ tịch STB từ năm 2012 đến 2015. Trong thời gian nắm quyền, ông Phú để lại những dấu ấn đưa Sacombank vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính và nợ xấu sau quá trình mở rộng. Đây cũng là thời điểm Sacombank đã tiến hành tái cơ cấu lại chính mình.
Trong năm 2015, chiếc ghế Chủ tịch Sacombank được tiếp quản bởi ông Kiều Hữu Dũng trước khi vị lãnh đạo rời đi năm 2017. Đáng chú ý, đây là giai đoạn nhà băng phải đối mặt với nhiều vấn đề về hợp nhất sau sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Đây cũng là thời điểm nhà băng này bắt đầu khởi phát câu chuyện về chia cổ tức.
8 năm gần nhất, Sacombank được điều hành bởi "triều đại" của Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh, vị doanh nhân quê Bắc Ninh được biết đến với vai trò Chủ tịch Tập đoàn Him Lam. Dưới sự lãnh đạo của ông Minh, Sacombank đã tiến hành mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc, tập trung vào xử lý nợ xấu và cải thiện năng lực tài chính, củng cố vị thế trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Sacombank với quy mô gần 18.900 tỷ đồng vốn điều lệ (khoảng 1,9 tỷ cổ phiếu đang lưu hành) hiện là ngân hàng có số lượng cổ đông Top đầu hệ thống và trên toàn thị trường, với hơn 84.000 cổ đông. Cách đây vài năm, con số ghi nhận từng xấp xỉ 100.000.
Trái với tình hình kinh doanh liên tục cải thiện, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến giữa năm 2024 lên tới 22.600 tỷ đồng, trong 8 năm điều hành của ông Dương Công Minh, câu chuyện Sacombank không chia cổ tức trở thành vấn đề nhức nhối.
>> Cổ đông Sacombank: 'Chúng tôi đã già, không biết còn đủ sức đợi nhận cổ tức'
"Chúng tôi đã sẵn sàng (chia cổ tức) rồi"
Giống như ĐHCĐ thường niên 2023, trong lần tổ chức gần nhất hồi tháng 4/2024, Sacombank tiếp tục ghi nhận những ý kiến gay gắt của cổ đông về vấn đề chia cổ tức kể từ lần chi trả gần nhất bằng cổ phiếu tỷ lệ 12% hồi giữa tháng 10/2015.
Phản ứng khi cổ đông bày tỏ quan điểm "Chúng tôi đã già, chờ cổ tức không biết đến bao giờ, không biết có còn có đủ sức mà nhận cổ tức", ông Dương Công Minh cho biết: "Theo quy định pháp luật thì phải hoàn lại vốn điều lệ thì mới tái cơ cấu thành công. Điều kiện để chia cổ tức là phải hoàn vốn điều lệ và sau đó đưa nợ xấu về dưới 3%".
Vị lãnh đạo tiếp tục nhắc lại chia sẻ của Đại hội năm trước rằng: "Tôi là cổ đông lớn nhất nhưng quy định là phải tái cơ cấu xong mới được chia cổ tức, chúng tôi quyết tâm thực hiện (dứt điểm tái cơ cấu) trong năm nay (PV-2024)".
Chủ tịch Sacombank bộc bạch: "Thời điểm HĐQT mới vào Sacombank năm 2017, ngân hàng có lãi dự thu nhiều hơn cả vốn điều lệ. Đến hiện tại, sau 7 năm, Sacombank có vốn chủ sở hữu hơn 45.000 tỷ đồng, là điển hình ngân hàng tự tái cơ cấu thành công. Tổng tài sản và dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng qua các năm. Vào thời điểm bắt đầu tái cơ cấu, nợ xấu và tài sản ngưng đọng của Sacombank chiếm tới 94.000 tỷ đồng trên tổng số 222.000 tỷ đồng dư nợ cho vay (tương đương 42%). Khi đó, một nửa tín dụng là nợ xấu. Tuy nhiên đến hiện tại tỷ lệ này chỉ còn 6,9%".
Ông Minh nhấn mạnh: “Sacombank chỉ còn 1 vấn đề duy nhất để hoàn thành đề án tái cơ cấu từ số cổ phần của ông Trầm Bê và nhóm liên quan (đây cũng là vấn đề được chia sẻ một năm về trước). Sacombank đang chờ NHNN duyệt cho phép bán 32% vốn điều lệ liên quan số cổ phần này, sau khi hoàn tất thì việc tái cấu trúc sẽ thành công. Nợ xấu của chúng ta cũng sẽ về dưới 3%”.
Tiếp lời, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm xác nhận: "Vấn đề cuối cùng của việc chia cổ tức là ngân hàng phải xử lý xong 32% cổ phần của ông Trầm Bê và những người liên quan. Sau khi được phê duyệt đấu giá xong thì chúng tôi không có lý do gì để không chia cổ tức. Ngân hàng đã sẵn sàng rồi".
>> Góc nhìn cổ phiếu Sacombank (STB) năm 2024 và câu chuyện 'tôi cũng muốn được chia cổ tức'
Công đoạn cuối cùng trước ngày "tán lộc"
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Sacombank đạt 4.288 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 50,4% kế hoạch cả năm.
Chứng khoán Vietcap (VCI) đánh giá, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm nay, hiện ở mức 2,15%. STB đã gần như không cần trích lập thêm chi phí dự phòng cho VAMC phần nào giúp giảm gánh nặng trích lập dự phòng trong nửa đầu năm,
Vừa qua, Sacombank cũng đã đấu giá thành công khu công nghiệp Phong Phú (từ thời sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam), qua đó thu hồi được 20% giá trị khoản nợ có liên quan. Bên đấu giá sẽ thanh toán theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý dự án, dự kiến 40% tổng số tiền sẽ được thanh toán tiếp trong năm 2024 và 40% còn lại sẽ trả nốt trong năm 2025.
Có tất cả 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án khu công nghiệp Phong Phú với tổng giá trị (tính đến ngày 31/12/2021) là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sacombank cũng đang tích cực làm việc với các bên liên quan để xử lý 32,5% cổ phần STB của ông Trầm Bê do VAMC quản lý. Theo ước tính của Chứng khoán VCBS, số cổ phần này đang được dùng để bảo đảm cho khoản nợ gốc khoảng 10.000 tỷ đồng.
Về vấn đề trên, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm thông tin, đề án tái cơ cấu Sacombank đã trình NHNN trên 6 tháng, do yếu tố khách quan nên cần thời gian nghiên cứu kỹ hơn, cơ quan quản lý cơ bản đã đồng ý chủ trương của STB và sẽ trình Chính phủ.
"Chắc chắn trong năm nay sẽ hoàn thành và đưa đấu giá công khai để thu hồi nợ cho ngân hàng", Tổng Giám đốc Sacombank nói.
>> Thời điểm 'sạch trái phiếu VAMC' cận kề, cổ phiếu STB sắp được tái định giá