Câu chuyện đầu tư

Sacombank (STB): Vị trí cổ đông cá nhân lớn nhất của ông Dương Công Minh có nguy cơ lung lay sau bước ngoặt tái cơ cấu?

Ánh Nguyệt 25/09/2024 07:45

Sacombank (STB) đang tiến tới giai đoạn cuối cùng của chặng đường tái cơ cấu 2016-2025. Việc xử lý cổ phần thuộc nhóm ông Trầm Bê có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong cơ cấu sở hữu, đồng thời đe dọa vị trí cổ đông cá nhân lớn nhất của Chủ tịch Dương Công Minh.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank: STB) đang tiến tới giai đoạn cuối cùng trong chặng đường tái cơ cấu kéo dài từ năm 2016 đến 2025. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh, Sacombank đã từng bước vượt qua khủng hoảng và dần khôi phục vị thế trong nhóm các ngân hàng lớn tại Việt Nam.

Trong bước cuối cùng của đề án tái cơ cấu, việc xử lý 32,5% vốn cổ phần thuộc nhóm ông Trầm Bê có thể khiến cho STB xuất hiện thêm những cá nhân/nhóm cổ đông mới. Với tỷ lệ sở hữu chỉ 3,32% vốn, kết quả đấu giá số cổ phần này có thể khiến vị trí cổ đông lớn nhất của ông Dương Công Minh tại Sacombank bị lung lay.

Sacombank dưới thời của “triều đại Dương Công Minh”

Tiếp quản ghế điều hành của Sacombank từ năm 2017, Chủ tịch Dương Công Minh tiếp tục nhiệm vụ dẫn dắt ngân hàng hoàn thành chặng đường tái cơ cấu của giai đoạn 2016-2025.

Thời điểm ông Minh xuất hiện tại Sacombank, nhà băng này đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Hai “sếp lớn” khi đó là ông Trầm Bê và Phan Huy Khang bị bắt tạm giam, khởi tố với hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến đại án Phạm Công Danh.

Dưới sự dẫn dắt của ông Dương Công Minh, quy mô tài sản của Sacombank tăng hơn 90% từ 368.000 tỷ đồng vào cuối năm 2017 lên mức 717.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2024.

Mặc dù quy mô tài sản tăng mạnh nhưng Sacombank vẫn giữ nguyên vốn điều lệ từ 2015 đến nay ở mức 18.852 tỷ đồng - là một trong số ít các ngân hàng không tăng vốn trong nhiều năm liên tiếp.

Về tình hình kinh doanh, sau những năm sóng gió 2015-2017, Sacombank ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Sau con số dưới 100 tỷ đồng vào năm 2017, lợi nhuận sau thuế của STB liên tục tăng mạnh và báo lãi kỷ lục vào năm 2023 với hơn 7.700 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sacombank mang về 4.288 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 12% so với cùng kỳ.

Sacombank (STB): Vị trí cổ đông cá nhân lớn nhất của ông Dương Công Minh có nguy cơ lung lay sau bước ngoặt tái cơ cấu?
Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của Sacombank (STB)

Chặng cuối trong hành trình tái cơ cấu tại Sacombank

Trong 7 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, Sacombank ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực trong việc xử lý nợ xấu. Từ tỷ lệ nợ xấu ban đầu lên tới 28,1% vào năm 2016, Sacombank đã giảm đáng kể tỷ trọng tài sản tồn đọng trên tổng tài sản và chỉ còn 3% vào năm 2023.

Nhà băng này cũng đã thực hiện đầy đủ việc trích lập dự phòng rủi ro theo quy định với tổng số dư dự phòng hiện đạt 25.099 tỷ đồng, tăng 10,4% so với trước. Đáng chú ý, dự phòng cho vay tăng 34,3% và Sacombank đã hoàn tất 100% danh mục nợ bán cho VAMC.

Cách đây không lâu, Sacombank đã bán đấu giá thành công KCN Phong Phú, tài sản thế chấp cho khoản nợ xấu trị giá 7.900 tỷ đồng có nguồn gốc từ việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) hồi năm 2015.

Hiện tại, Sacombank hiện chỉ còn vướng mắc duy nhất về việc xử lý khoản nợ xấu được đảm bảo bằng 32,5% vốn cổ phần của nhóm ông Trầm Bê đang nắm giữ.

Thương vụ thoái vốn của nhóm ông Trần Bê tại Sacombank (STB): Vị trí cổ đông cá nhân lớn nhất của Chủ tịch Dương Công Minh liệu có bị 'đe dọa'?
Sacombank (STB) ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực trong 7 năm thực hiện đề án tái cơ cấu (Nguồn: DSC Reseach)

Vị trí cổ đông cá nhân lớn nhất của Chủ tịch Dương Công Minh có thể bị lung lay?

Trong thời gian qua, câu chuyện trả cổ tức vẫn luôn là vấn đề bàn luận sôi nổi mỗi khi mùa ĐHĐCĐ đến. Việc chưa tháo gỡ được nút thắt cuối cùng trong đề án tái cơ cấu khiến cho nhà băng này chưa thể chia cổ tức cho cổ đông trong nhiều năm, mặc dù lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/6/2024 lên đến 22.629 tỷ đồng. Điều này cũng khiến cho Chủ tịch Dương Công Minh "đứng mũi chịu sào" trước những lời chất vấn của cổ đông.

Trước vấn đề này, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, vị lãnh đạo của Sacombank bộc bạch: "Tôi là cổ đông lớn nhất nhưng quy định là phải tái cơ cấu xong mới được chia cổ tức, chúng tôi quyết tâm thực hiện (dứt điểm tái cơ cấu) trong năm nay".

Tiếp lời, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Giám đốc cho biết: "Sacombank đang thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, còn vướng mắc cuối cùng liên quan đến phương án xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê. Sacombank hiện đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án chi tiết và đang chờ phê duyệt".

Nếu phương án xử lý này được thông qua, Sacombank sẽ xuất hiện thêm nhiều cá nhân/nhóm cổ đông mới. Đặt trong trường hợp ông Minh không tham gia đấu giá 32,5% cổ phần của nhóm ông Trầm Bê, tư cách cổ đông cá nhân lớn nhất với 3,32% cổ phần của ông Minh có thể bị hoán đổi trước sự biến động lớn của cơ cấu sở hữu tại nhà băng này.

>> Chuyện cổ tức Sacombank (STB): 'Một là cùng chờ đợi với ngân hàng, hai là bán cổ phiếu đi để thu tiền về'

Thời điểm 'sạch trái phiếu VAMC' cận kề, cổ phiếu Sacombank (STB) sắp được tái định giá

Số cổ phần của nhóm ông Trầm Bê tại Sacombank (STB) được định giá tới 31.000 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sacombank-stb-vi-tri-co-dong-ca-nhan-lon-nhat-cua-ong-duong-cong-minh-co-nguy-co-lung-lay-sau-buoc-ngoat-tai-co-cau-250190.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sacombank (STB): Vị trí cổ đông cá nhân lớn nhất của ông Dương Công Minh có nguy cơ lung lay sau bước ngoặt tái cơ cấu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH