Bước ra khỏi cuộc hôn nhân ồn ào với ông chủ Amazon Jeff Bezos, bà MacKenzie Scott đã sử dụng số tiền được phân chia tài sản để tạo ra "cuộc cách mạng" trong lĩnh vực từ thiện.
Cuộc ly hôn đắt đỏ nhất thế giới
Trong danh sách 10 tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes thì đã có tới 6 người trải qua ít nhất một lần hôn nhân đổ vỡ và cuộc ly hôn đắt đỏ nhất thế giới cho đến nay thuộc về nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos và vợ MacKenzie Scott.
Vào đầu năm 2019, cả thế giới chấn động trước tin tỷ phú Jeff Bezos ly hôn vợ sau 25 năm chung sống và đã có chung 4 người con. Điều đáng nói là ông chủ Amazon trước đó nhiều lần ca ngợi người vợ tào khang đã chia ngọt sẻ bùi với ông trong những ngày đầu khởi nghiệp. Cuộc chia tay xảy đến khi ông Bezos bị lộ bằng chứng ngoại tình với biên tập viên truyền hình Lauren Sanchez.
Tin tức này từng khiến các nhà đầu tư lo ngại tài sản của tỷ phú Jeff Bezos có thể bị chia đôi, khiến quyền lực của ông ở Amazon suy giảm. Dù vậy, đến tháng 4, cả hai thông báo đạt thỏa thuận chia phần lớn tài sản chung cho tỷ phú Jeff Bezos bao gồm cổ phần tại hãng thông tấn Washington Post, công ty hàng không vũ trụ Blue Orgin và 75% cổ phần của cả hai tại Amazon.
Hậu ly hôn, bà MacKenzie được nhận số cổ phiếu tương đương 4% cổ phần Amazon, được định giá khoảng 38,3 tỷ USD tại thời điểm bấy giờ. Theo đó, bà MacKenzie trở thành cổ đông lớn thứ ba ở Amazon và là người phụ nữ giàu thứ ba trên thế giới tại thời điểm đó. Dù không chia tài sản theo tỷ lệ 50:50 như một số dự đoán, đây vẫn là cuộc ly hôn đắt đỏ nhất trong lịch sử. Tỷ phú Jeff Bezos khi đó vẫn nẵm giữ vị trí người giàu nhất thế giới với khối tài sản hơn 110 tỷ USD.
Tuyên bố sẽ làm từ thiện cho tới khi “rỗng két”
Trong khi các tỷ phú giàu nhất thế giới như chồng cũ của bà mải miết theo đuổi tham vọng bay vào vũ trụ, bà MacKenzie lại chú tâm sử dụng khối tài sản của mình để không chỉ hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận mà còn góp phần thay đổi cách tích lũy tài sản và quyền lực tại Mỹ.
Bà MacKenzie đã ký tên tham gia Giving Pledge (Cam kết cho đi), một sáng kiến do “nhà đầu tư huyền thoại” Warren Buffett và nhà sáng lập Microsoft Bill Gates lập ra vào năm 2010, nhằm kêu gọi những người siêu giàu cam kết hiến tặng một nửa tài sản cho mục đích từ thiện.
Trong bức thư gửi chiến dịch Giving Pledge, bà MacKenzie viết: “Có rất nhiều thứ mà mỗi người chúng ta có thể chia sẻ với những người khác như thời gian, sự quan tâm, kiến thức, sự kiên nhẫn, sự sáng tạo, tài năng, nỗ lực, sự hài hước và lòng thương cảm.
Ngoài những tài sản mà cuộc sống đã tặng cho tôi, tôi có một khoản tiền kha khá để chia sẻ. Hoạt động từ thiện đòi hỏi thời gian, nỗ lực và sự cẩn trọng, nhưng tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sẽ làm từ thiện cho tới khi rỗng két”.
Được biết, ngay từ khi còn trẻ, bà MacKenzie đã quyên góp hàng triệu USD cho các tổ chức từ thiện và luôn dành nhiều tâm huyết cho việc này. Kể từ đầu năm 2021 tới nay, bà MacKenzie đã không ngừng tham gia các hoạt động thiện nguyện với nhiều quy mô.
Bà đã tặng quà cho các nhóm học sinh, sinh viên người Mỹ bản địa tại hàng chục trường đại học và cao đẳng tại Mỹ hay giúp đỡ phụ nữ ở các vùng sâu vùng xa. Không dừng lại ở đó, bà còn quyên góp cho hàng loạt tổ chức lớn nhỏ như Trung tâm từ thiện phòng chống thảm họa, Quỹ cho vay cộng đồng Chicago...
Không giống như nhiều tỷ phú thông báo trước rồi mới thực hiện hành động từ thiện hoặc lựa chọn các tổ chức từ thiện có quy mô lớn và tiếng tăm, bà MacKenzie Scott lại có lối đi riêng.
Nhiều tổ chức nhận được sự ủng hộ của bà có quy mô nhỏ, ngân sách hạn hẹp và thường không mấy nổi tiếng trên truyền thông. Bà MacKenzie Scott chia sẻ rằng hoạt động từ thiện của bà nhằm mục đích mang lại sự thay đổi cho xã hội hơn là việc coi trọng thể hiện giá trị của bản thân. Bà muốn khuyến khích thêm nhiều người quyên góp, ủng hộ, tham gia hoặc tình nguyện hỗ trợ những tổ chức tương tự như vậy.
Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới
Tháng 12/2021, Forbes công bố danh sách thường niên 100 Phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm. Điều đặc biệt là cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhường vị trí mà bà nắm giữ suốt 15 năm cho nữ tỷ phú MacKenzie Scott.
Theo biên tập viên Maggie McGrathwrites của ForbesWomen, bà Mackenzie Scott đã bỏ ra một số tiền khổng lồ để hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận trong năm vừa qua một cách hoàn toàn chủ động mà không cần phải lệ thuộc vào bất kỳ ai. Được biết, bà MacKenzie đã cho đi 8,6 tỷ USD trên tổng số gần 60 tỷ USD tài sản của mình để làm từ thiện trong năm 2021, nhiều hơn cả quỹ Bill & Melinda Gates và quỹ Ford cộng lại.
Và điều quan trọng là Scott áp dụng triết lý cho đi "không ràng buộc", nghĩa là mỗi tổ chức từ thiện có thể sử dụng số tiền mà bà trao tặng theo cách họ thấy phù hợp. "Nó trao quyền cho người nhận bằng cách làm cho họ cảm thấy có giá trị và giúp họ tìm ra giải pháp tốt nhất", Scott viết trên Medium hồi tháng 6.
Với những đóng góp của bà, nhiều chuyên gia nhận định MacKenzie Scott, người phụ nữ giàu thứ tư trên thế giới đang trên con đường trở thành nhà từ thiện quyền lực nhất nước Mỹ.
Với hàng chục tỷ USD đang sở hữu, bà MacKenzie cho biết bà đang có những kế hoạch lớn để tạo ra thay đổi thực sự và tác động lâu dài đến những vấn đề từng không được chú ý và thiếu đầu tư trong xã hội. “Sự hào phóng là điều tốt đẹp. Càng cho đi sẽ càng nhận lại nhiều hơn”, bà MacKenzie chia sẻ.
10 nữ tỷ phú giàu nhất hành tinh: Nắm giữ khối tài sản hơn 400 tỷ USD nhưng vô cùng kín tiếng
Chân dung nữ tỷ phú được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Giáo dục Mỹ
Nữ tỷ phú thế giới chỉ đi làm thuê, 25 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ đại học danh giá