Nguyên nhân dự án cảng cá 220 tỷ đồng ở Huế vẫn 'án binh bất động' sau gần một năm hoàn thiện
Dự án cảng cá này được khởi công xây dựng từ tháng 10/2020 và dự kiến khai thác vào tháng 9/2022 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động.
Mặc dù hoàn thiện gần 1 năm nhưng dự án cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão vẫn chưa được chủ đầu tư công bố mở cảng, gây ra nguy cơ lãng phí hạ tầng cảng biển.
Dự án xây dựng và nâng cấp hạ tầng nghề cá tỉnh Thừa Thiên Huế được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư với tổng mức vốn 400 tỷ đồng, từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Trong đó, dự án cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão, TP. Huế có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng và là một trong ba dự án thành phần.
Dự án khởi công xây dựng từ tháng 10/2020 và dự kiến khai thác vào tháng 9/2022. Khi hoàn thành, cảng sẽ có khả năng tiếp nhận và xử lý tối thiểu 20.000 tấn tàu cá mỗi năm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bốc dỡ hàng hóa và bảo quản thủy sản, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của EU như vệ sinh môi trường, hệ thống xử lý nước thải, và hệ thống cấp điện nước.
Ngoài ra, cảng cá Thuận An còn được trang bị hệ thống kho bãi lưu trữ hàng, nhà cấp đông, nhà máy nước đá, khu vực làm việc và các dịch vụ khác. Cảng này có thể đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền có chiều dài từ 6m trở lên, giúp hạn chế thiệt hại về người và phương tiện trong mùa mưa bão.
Mặc dù cảng cá Thuận An đã hoàn thành và được bàn giao cho Ban quản lý cảng cá tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý vào cuối năm 2023, nhưng cảng vẫn chưa đi vào hoạt động do chưa được công bố mở cảng và thiếu các thủ tục hành chính cần thiết, như bản đồ luồng cảng, dẫn đến nguy cơ lãng phí lớn.
Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Thừa Thiên Huế cho biết, việc chậm công bố mở cảng do vướng phải các thủ tục hành chính liên quan đến Nghị định 37/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Chính vì vậy quyết định công bố mở cảng vào năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chưa thể áp dụng được.
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng cảng mới, chủ đầu tư và đơn vị vận hành phát hiện cảng cá Thuận An chưa có quyết định giao đất, giao mặt nước, đây là một trong những nguyên nhân khiến thủ tục công bố mở cảng chưa được chấp nhận.
Hiện Ban quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế vẫn đang tiến hành các thủ tục với Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng vùng nước để công bố mở cảng.
Cảng cá Thuận An thuộc cảng cá loại II, có chiều dài cầu cảng 115m, độ sâu vùng nước đậu tàu là -3m, có khả năng đón tiếp tàu cá dài 24m với năng lực bốc dỡ 24.000 tấn thủy sản mỗi năm. Cảng cũng cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá như xăng dầu, đá, lương thực, và ngư cụ.
>> Đà Nẵng chi 250 tỷ đồng để biến cảng cá lớn nhất miền Trung thành địa điểm du lịch
Khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam sắp di dời: Dự chi 1.200 tỷ đồng hỗ trợ cho 21.000 lao động
Nam Định 'nâng cấp' một thị trấn trở thành đô thị vệ tinh quan trọng của thành phố