Nhà đầu tư bất động sản nên 'xuống tiền' vào thời điểm nào trong năm 2024?
Bước sang năm 2024 với nhiều kỳ vọng cũng như thách thức đối với thị trường bất động sản thì liệu nhà đầu tư nên 'xuống tiền' vào thời điểm nào để có lợi nhuận cao nhất?
Xu hướng thị trường đi đôi với tâm lý người mua
Nền kinh tế đang gặp khó khăn, thị trường bất động sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Các chuyên gia cho rằng, ngoài những yếu tố về pháp lý, vốn vay… tâm lý người mua hàng cũng quyết định rất nhiều đến thị trường bất động sản.
Tại Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2023 diễn ra tại TP. HCM, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc batdongsan.com khu vực miền Nam thừa nhận: “Hiện nay, tâm lý người mua bất động sản là một nguyên nhân tác động đến sự phát triển của thị trường cũng như tính thanh khoản. Bởi khi nhà đầu tư đắn đo, không có niềm tin vào sản phẩm thì xem như cơ hội đã vụt qua”.
>> Một năm hết mình 'giải cứu' từ Chính phủ, thị trường bất động sản hứa hẹn gì cho năm 2024?
Ông Tuấn nhận định, giai đoạn cuối năm 2023 các chủ đầu tư đã tổ chức được nhiều sự kiện bán hàng, mời gọi được nhiều khách, nhà đầu tư đến tham qua. Chưa khẳng định khách có mua sản phẩm hay không, nhưng chỉ dựa vào việc nhà đầu tư chịu đi xem sản phẩm thì cơ hội bán hàng và nhu cầu tìm mua sản phẩm bất động sản vẫn có.
Còn theo nguồn tin từ Báo Pháp Luật, Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, cho biết thời gian qua bất động sản gặp khủng hoảng, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Điều đáng mừng là thị trường dường như đã thoát khỏi đáy và đang có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn.
Dựa trên cơ sở đó, ông Quang dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, thị trường chỉ trở lại với phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực và có giá tốt. Giai đoạn sau Tết, thị trường sẽ nhanh chóng khởi sắc. Khi những đơn hàng của doanh nghiệp trở lại, chính sách của Chính phủ sẽ tác động rõ vào thời điểm sau Tết 2024.
Còn theo đánh giá của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, tổng thể từ đầu năm đến nay, tình hình nguồn cung, đặc biệt là sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân chưa được giải quyết một cách triệt để. Vì vậy, sự thay đổi tương đối rõ rệt của thị trường địa ốc chỉ xảy ra vào cuối quý I, đầu quý II/2024 khi lượng nhà ở xã hội được bán ra thị trường nhiều hơn.
Ông Thịnh cho rằng Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát những khó khăn của địa phương và phối hợp sát sao với các bộ, ban ngành để giải quyết. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc và thực hiện phát triển nhà ở xã hội đã đăng ký; khi gặp khó khăn cần chủ động trao đổi, trình bày với cơ quan quản lý. Các nhà đầu tư nên xem xét và chuẩn bị nguồn lực khi lãi suất đã xuống thấp, chọn thời điểm phù hợp thì tham gia thị trường.
Nhà đất vẫn sẽ là sự tập trung chính của người mua
Theo ông Đinh Minh Tuấn, hiện nay thị trường nhà đất vẫn đang là kênh được nhiều người quan tâm.
Cụ thể, phân khúc chung cư được đánh giá trong tháng 11/2023, mức độ quan tâm đến chung cư giảm 20% so với tháng tháng 2/2023. Tuy nhiên, giá rao bán chung cư tại Hà Nội trong quý IV/2023 vẫn tăng từ 6% đến 9% so với quý đầu năm (tùy phân khúc).
>> Bộ Xây dựng công bố điều kiện để cấp sổ hồng đối với chung cư mini
Tại TP. HCM, quý IV/2023 chứng kiến giá chung cư cao cấp giữ nguyên, chung cư trung cấp và bình dân giảm nhẹ từ 1% đến 4%.
Mặt bằng giá chung cư không giảm nhưng khả năng mua nhà của người dân gia tăng nhờ các chính sách ưu đãi linh hoạt từ chủ đầu tư. Chính sách ưu đãi và bán hàng linh hoạt là chiến lược hiệu quả để kích cầu trong thời gian khó khăn và tiếp cận nhóm khách hàng rộng hơn.
Giá thuê nhà hiện vẫn đang neo ở mức cao, mặc dù đã có điều chỉnh ở TP. HCM trong năm 2023. Để phù hợp hơn với khả năng chi trả, căn hộ diện tích nhỏ hơn (tại TP. HCM) và xa trung tâm hơn (tại TP. Hà Nội) đang được quan tâm hơn.
Riêng đối với nhà phố, trong năm 2023, loại hình này đã chứng kiến những biến động tiêu cực. Hiện tượng trả mặt bằng xuất hiện nhiều ở các tuyến phố lớn tại Hà Nội và TP. HCM.
Ông Đinh Minh Tuấn lý giải tình trạng này xuất phát từ việc hiệu quả kinh doanh nhà phố giảm do thay đổi trong hành vi người dùng và cạnh tranh từ trung tâm thương mại.
Thói quen mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, ước tính năm 2023, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng gần 9% so với năm ngoái. Trong khi đó, giá cho thuê nhà phố vẫn neo ở mức cao, đặc biệt là khu vực trung tâm và không có xu hướng điều chỉnh.
Ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group nhận định: “Tâm lý sở hữu nhà đất đã đi sâu vào tiềm thức của con người Việt, nên việc khách hàng tìm và lựa chọn sản phẩm rất nhiều, dù không quyết định mua nhanh chóng như trước, nhưng họ vẫn có mong muốn tìm hiểu và cân nhắc sự lựa chọn cho bản thân”.
“Nguồn cung hiện tại đang có rất nhiều, cầu không chịu mua thì cũng ‘tắc’. Điều kiện để người mua vượt tâm bây giờ là giá bất động sản phải định giá về ngưỡng đủ hấp dẫn thay vì tiền gửi tiền kiệm, mua vàng thì họ lấy tiền đó mua nhà.
Bởi vậy nguồn cung phải đưa ra sản phẩm phù hợp, giá cả phải hợp lý, thì mới tăng tính hấp dẫn cho người mua. Người mua sẽ thấy không còn cơ hội nào tốt hơn, từ đó nhu cầu nổi lên. Hiện nay đã rất nhiều người có ý định mua nhà, bên cạnh đó tiền lãi suất ngân hàng thấp, người dân có xu hướng rút tiền mua nhà để cho thuê… khi lạm phát xảy ra họ chuyển đôi từ tiền qua hàng”, ông Phúc chia sẻ.
>> ‘Nhói lòng' các doanh nghiệp địa ốc phải đóng cửa cuối năm 2023