Tuần 16 - 20/5/2022, những nhà đầu tư bắt đáy đều đã có lợi nhuận khi hàng về tài khoản. Nhóm cổ phiếu dẫn dắt đà tăng nổi bật như dầu khí, chứng khoán, năng lượng,… đều ghi nhận tăng mạnh.
Kết tuần giao dịch từ ngày 16 - 20/5/2022, VN-Index đứng ở mức 1.240,71 điểm - tương ứng tăng 57,94 điểm (4,9%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,63 điểm (1,53%) lên 307,02 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 0,5 điểm (0,53%) lên 94,11 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 16.021 tỷ đồng/phiên - giảm 16,6% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm gần 15% xuống còn 14.807 tỷ đồng/phiên.
Về diễn biến giá cổ phiếu, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất trong tuần qua với 12,1% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như BSR tăng 26,5%, OIL tăng 18,8%, PVD tăng 22,1%, PVS tăng 19%, PVB tăng 17,3%,...
Tiếp theo là ngành nguyên vật liệu với 7,7% giá trị vốn hóa trong đó các cổ phiếu hóa chất như DGC tăng 17,1%, DCM tăng 16,2%, DPM tăng 12,1%,...; cổ phiếu thép như NKG tăng 7,6%, HPG tăng 4,9%, HSG tăng 1,2%,...
Nhóm cổ phiếu trụ ngân hàng cũng hồi phục 6,1% giá trị vốn hóa, củng cố thêm cho sắc xanh của thị trường. Cụ thể, VCB tăng 3,2%, VPB tăng 5,5%, TCB và ACB đều tăng 5,6%, CTG tăng 8,4%, BID tăng 8,5%, MBB tăng 12%, SHB tăng 15,2%,...
Nhóm tài chính tăng 2,3% giá trị vốn hóa trong đó các cổ phiếu chứng khoán khởi sắc với TVS (+29,2%), VCI (+23,5%), SHS (+23,4%), CTS (+21%), BSI (+17,3%), VIX (+17%), HCM (+16,7%), SSI (+10,3%), VDS (+10,7%), ORS (+8,4%), APG (+8%), FTS (+5,1%),…; Cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng 4,3% vốn hóa với VNM tăng 3%, MSN tăng 11,2%,...
Nhóm dược phẩm và y tế tăng 1,3% giá trị vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 3,9%, công nghiệp tăng 5,8%, công nghệ thông tin tăng 4,7% với trụ cột trong nhóm là FPT tăng 4,2% và CMG tăng 2,8%.
Các ngành còn lại đều có mức tăng trưởng tốt như tiện ích cộng đồng tăng 4,5% giá trị vốn hóa, với GAS tăng 4,5%, POW tăng 11,8%,..
Tuần qua, những nhà đầu tư bắt đáy đều đã có lợi nhuận khi hàng về tài khoản. Nhóm cổ phiếu dẫn dắt đà tăng trong tuần qua phải kể đến một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí, chứng khoán, năng lượng,…
Bày tỏ quan điểm về việc các nhóm cổ phiếu này có thể tiếp tục duy trì được đà tích cực trong tuần tới (từ 23 - 27/5/2022), ông Lâm Gia Khang, Phụ trách Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) đánh giá, nhóm chứng khoán và năng lượng thu hút sự tham gia của dòng tiền trong tuần qua chủ yếu vì mức chiết khấu mạnh từ vùng đỉnh. Trong khi đó, việc thanh khoản giảm mạnh gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động cho vay margin của nhóm chứng khoán, đồng thời danh mục tự doanh cũng đang ghi nhận mức sụt giảm đáng kể so với đầu quý II/2022.
Đối với nhóm dầu khí, việc giá dầu thế giới liên tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng cũng chưa đủ giúp nhóm này cải thiện kết quả kinh doanh, thậm chí có doanh nghiệp còn báo lỗ trong quý I.
Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS, năm 2022, điều kiện tài chính sẽ eo hẹp và dòng tiền vào thị trường sẽ không còn dồi dào như 2 năm trước; sẽ khó để tạo sóng tăng đồng loạt cho các cổ phiếu trong ngành.
Dòng tiền sẽ có sự phân hóa và luân phiên cho các cơ hội riêng lẻ. Do vậy, các cổ phiếu tăng mạnh nhiều khả năng sẽ bị chốt lời từng phần, đặc biệt khi biên độ dao động của thị trường tăng lên.
Đưa ra nhận định về tuần giao dịch tới, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC): Trước tuần phục hồi tuần qua, thị trường đã có 6 tuần giảm điểm liên tiếp với tốc độ giảm chưa từng thấy trong những năm qua. Do đó việc thị trường phục hồi sau khi quá bán là một điều rất dễ hiểu, đặc biệt là khi thị trường đã rơi về quanh vùng rất quan trọng nhiều năm qua – quanh 1.200 điểm.
Thông thường những nhịp sóng hồi như vậy sẽ kéo dài từ 1 - 3 tuần. Sự hồi phục tuần qua đã ít nhiều giải tỏa tâm lý cho thị trường. Những ai bắt đáy T+ cũng đã có lãi, còn những ai thua lỗ và kẹp margin cũng đã có cơ hội để cơ cấu.
Theo phân tích kỹ thuật hiện tại, xu hướng dài hạn, ngắn hạn, trung hạn của thị trường đều là giảm điểm. Thị trường mới chỉ có những nỗ lực hồi phục đầu tiên, do đó cũng thật khó mà có thể đưa ra lời khẳng định thị trường đã thực sự tạo đáy hay chưa. Một kịch bản đẹp với việc thị trường tiếp tục đi ngang, trụ được trên ngưỡng 1.200 điểm trong quãng thời gian tới để phân phối nguồn cung ở đỉnh sẽ là một kịch bản đẹp cho phần còn lại của quý II/2022.
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm