Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng 840 tỷ đồng tại Bình Định chậm tiến độ, Bidiphar (DBD) nói gì?
Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng của Bidiphar (DBD) khởi công từ cuối năm 2023, được xây dựng trên diện tích hơn 2,4ha.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2025 vào cuối tháng 4 vừa qua, Tổng Giám đốc CTCP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, MCK: DBD), bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết, dự án Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ hiện đang trong giai đoạn xây dựng và mua sắm trang thiết bị. Theo kế hoạch, quá trình lắp đặt máy móc sẽ hoàn tất vào cuối năm 2025.
Dự án hướng đến việc đạt chứng nhận tiêu chuẩn GMP - WHO vào cuối năm 2026 và tiếp tục hoàn thiện để đạt tiêu chuẩn GMP-EU vào năm 2028. Dự kiến, nhà máy sẽ được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép sản xuất vào năm 2027.
Khởi công từ cuối năm 2023, nhà máy có tổng vốn đầu tư lên đến 840 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 2,4ha tại Khu công nghiệp Nhơn Hội - Khu A, tỉnh Bình Định. Sau khi vận hành, cơ sở này dự kiến đạt công suất 120 triệu sản phẩm mỗi năm, bao gồm thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt và các dòng thuốc vô trùng khác.
Tại Đại hội, một số cổ đông bày tỏ lo ngại về tiến độ chậm trễ của dự án. Giải đáp mối quan tâm này, bà Hương cho biết HĐQT công ty đã đặt ưu tiên cao cho dự án, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ để tránh lãng phí đầu tư.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, bà Hương cho biết quá trình mua sắm thiết bị phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của GMP-EU, đòi hỏi quy trình kỹ lưỡng từ lập đơn giá, thẩm định qua tư vấn độc lập đến tổ chức đấu thầu. Có những gói thầu phải mất đến 10 tháng để hoàn tất các bước làm việc với nhà thầu.
Việc thực hiện chậm hơn dự kiến là cần thiết để đảm bảo chất lượng thiết bị, tránh mua nhầm hoặc hàng kém chất lượng, từ đó đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài.
Liên quan đến doanh nghiệp, nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư của Bidiphar cũng đã được khánh thành vào cuối năm 2023 tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Dự án có diện tích hơn 1,5ha và vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Đây là nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm hai dây chuyền: Một dây chuyền thuốc tiêm với công suất 3 triệu sản phẩm/năm và một dây chuyền thuốc viên có công suất 70 triệu sản phẩm/năm.
Cả hai dây chuyền đều đã đạt chứng nhận GMP - WHO. Riêng dây chuyền thuốc tiêm đang được nâng cấp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn GMP-EU, dự kiến hoàn thiện trong giai đoạn 2028-2029. Trong khi đó, với dây chuyền thuốc viên, Bidiphar đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm để chính thức đưa vào lưu hành.
>> Bình Định sắp xây bệnh viện quốc tế gần 1.400 tỷ đồng, muốn tìm nhà đầu tư