Ưu tiên nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu thật có thể giúp vực dậy thị trường bất động sản đang trầm lắng, mất thanh khoản gần một năm qua.
Dựa trên dữ liệu của CBRE mới đây cho thấy, trong Q2 thị trường bất động sản Hà Nội chỉ có 9 dự án chung cư mở bán mới, trong đó gồm 2 dự án mở bán lần đầu và 7 dự án đang trong giai đoạn mở bán tiếp theo.
Vắng bóng căn hộ giá rẻ
Trong 6 tháng, tại Hà Nội có tổng nguồn cung nhà là 3.926 căn hộ, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt lượng mở bán thấp kỷ lục trong 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, tổng số lượng căn được mở bán trong nửa đầu năm nay chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp, trong đó 51% là phân khúc căn hộ cao cấp.
Về giá bán, đối với thị trường sơ cấp mức giá trung bình là 47,5 triệu đồng/m2 (chưa gồm VAT và phí bảo trì), tăng 1,6% so với quý trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 bởi lượng căn hộ cao cấp gia tăng.
Đối với thị trường thứ cấp, mức giá bán cũng dao động khoảng 31 triệu đồng/m2 và không có sự thay đổi về giá so với quý trước nhưng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tại khu vực các quận Cầu Giấy, Hà Đông... giá bán thứ cấp đều tăng 5 – 6%.
Bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn Phát triển CBRE cho rằng, bất chấp lãi suất cao cũng như thắt chặt tín dụng, giá bán các căn hộ mới tại khu vực vẫn duy trì ở mức tương đối cao. Trong Q2, trong số các dự án chung cư chào bán có khoảng 52% dự án rao bán với giá trên 47 triệu đồng/m2. Số dự án còn lại rao bán từ 35 triệu đồng/m2 trở lên.
Lý giải nguyên nhân trên, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, tình trạng tăng giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc chung cư trong thời gian vừa qua là do thiếu nguồn cung trong khi nhu cầu lại tăng cao.
Tương tự, tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm, nguồn cung căn hộ mới được ghi nhận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái với gần 2.900 căn hộ và gấp 1,2 lần so với Q4 năm ngoái. Tuy nhiên, nguồn cung mới này đều thuộc phân khúc cao cấp, chỉ có duy nhất dự án thuộc phân khúc trung cấp tại huyện Hóc Môn với hơn 760 căn hộ.
Nhà ở vừa túi tiền: Điểm sáng thị trường bất động sản
Theo các chuyên gia cho rằng, tại thời điểm thị trường bất động sản sôi động, phân khúc nhà ở vừa túi tiền lại không thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp đầu tư. Nguyên nhân là do mức lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 10% so với vốn đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung bất động sản phân khúc trung cấp và cao cấp.
Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng thì phân khúc này lại hút được nhiều sự quan tâm đến từ người mua cũng như các doanh nghiệp bất động sản. Có thể thấy, nhu cầu về nhà ở giá rẻ hiện đang rất lớn, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí, còn xuất hiện sự chênh lệch giữa cung và cầu trong phân khúc này bởi thiếu hụt nguồn cung.
Theo báo cáo thị trường bất động sản của DKRA Group, trong 5 tháng đầu năm, số lượng căn hộ được tiêu thụ tại TP.HCM và khu vực lân cận chủ yếu thuộc phân khúc nhà ở hạng C. Trong tháng 5 vừa qua, mặc dù sức mua giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn có giao dịch xảy ra trong phân khúc nhà bình dân.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện bất động sản giá rẻ đóng vai trò chủ đạo trong các giải pháp phục hồi thị trường. Mặc dù sự mất cân bằng giữa cung và cầu đối với phân khúc bất động sản bình dân đang diễn ra nghiêm trọng nhưng vẫn còn thời gian để điều chỉnh lại tình hình.
"Trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã đăng ký cũng như công bố bổ sung thêm phân khúc nhà ở giá rẻ. Trong trường hợp được cấp phép và giải quyết thủ tục pháp lý nhanh chóng, cuối năm 2023 sẽ đón nhận nhiều thông tin tích cực về các dự án bất động sản giá rẻ mới, đồng thời trở thành nguồn động lực cho sự hồi phục của thị trường" - ông Châu khẳng định.
Hà Nội sắp có gần 6.000 căn hộ giá rẻ mở bán
Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sắp có hơn 600 căn hộ giá rẻ được mở bán