Nhà văn nổi tiếng mang hàm Trung tướng Công an, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, U80 vẫn làm việc không ngừng nghỉ
Không chỉ có sự nghiệp báo chí nhiều thành tựu, nhà văn đặc biệt này còn thành công ở cả lĩnh vực âm nhạc, hội họa, sân khấu...
Trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam, Trung tướng Hữu Ước là trường hợp đặc biệt. Ông là nhà văn mang hàm Trung tướng Công an nhân dân đồng thời vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ghi dấu ấn sâu sắc không chỉ trong văn chương mà còn ở các lĩnh vực báo chí, hội họa, sân khấu, âm nhạc.
Nhà văn mang quân hàm Trung tướng Công an
Ông tên thật là Nguyễn Hữu Ước, sinh ngày 20/5/1953 tại xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1970, ông nhập ngũ và phục vụ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng. Sau khi xuất ngũ, ông theo học Đại học Báo chí, sau đó trở thành phóng viên Báo Công an nhân dân và là sĩ quan Công an nhân dân.
Năm 1997, ông được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Báo An ninh Thế giới và Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an. Đến năm 2003, ông giữ cương vị Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân. Năm 2006, ông được thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng.

Ngày 29/7/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lao động. Một năm sau, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Lực lượng Công an nhân dân, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân. Đến ngày 16/7/2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định thăng ông từ Thiếu tướng lên Trung tướng. Từ năm 2011, ông kiêm Tổng Biên tập kênh Truyền hình Công an nhân dân (ANTV).
Ông đồng thời là Ủy viên Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Được biết, trong làng văn Việt Nam hiện đại, chỉ có 5 nhà văn từng mang hàm cấp Tướng, bao gồm: Thiếu tướng Văn Phác, Thiếu tướng Dũng Hà, Thiếu tướng Hồ Phương, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung và Trung tướng Hữu Ước.

Hơn 50 năm bền bỉ lao động nghệ thuật
Với hơn 50 năm cầm bút, hơn 20 năm cầm cọ, nhà văn Hữu Ước ghi dấu ấn mạnh mẽ qua nhiều thể loại sáng tác: Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, ký sự, hội họa… Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Nốt trầm, ... và giọt thời gian, Mùi lửa, Một mình, Thế sự, Người đàn bà uống rượu, Suối Cọp (xuất bản tiếng Anh và tiếng Thụy Điển năm 2024), bộ tiểu thuyết 3 tập Kiếp người, hay các tập thơ Gió hoang, Hữu Ước 100 bài thơ chọn...
Ông cũng sáng tác miệt mài với thành quả là 250 bức tranh, 7 vở kịch (Vòng đời, Khoảnh khắc mong manh, Quả báo, Sếp rởm...), cùng hàng loạt tác phẩm văn học được đánh giá cao. Ông từng tổ chức đêm nhạc, triển lãm tranh “Sắc màu” tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Nhà văn cũng từng chia sẻ với báo chí, dù đã nghỉ hưu nhưng chưa từng nghỉ sáng tác một ngày nào. Phong cách sáng tác của ông thấm đẫm dấu ấn của người lính từng trải qua chiến trận.

Các tác phẩm của nhà văn được viết bằng giọng văn chân thực, đậm chất đời, chú trọng khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật. Ông sử dụng ngôn từ sống động, hình ảnh giàu biểu cảm, miêu tả chi tiết và khéo léo đan cài các tầng ý nghĩa, từ đó dựng nên những câu chuyện hấp dẫn, nhiều dư vị.
Ở lĩnh vực hội họa, nhà văn Hữu Ước không theo trường phái nào cố định, nhưng thường tập trung vào ba mảng đề tài chính: Thế sự, hoa và phong cảnh. Đặc biệt, với tư cách là một người lính trở về từ chiến tranh, ông dành nhiều tình cảm cho đề tài Trường Sơn. Bốn bức tranh tiêu biểu của ông về Trường Sơn gồm: Chiều Trường Sơn, Vận chuyển hàng vào Nam, Đường Trường Sơn thời chiến, Lính trinh sát.
Dù ở vai trò nhà văn, nhà báo, họa sĩ, hay người lính từng kinh qua trận mạc, Hữu Ước vẫn luôn trung thành với một danh xưng duy nhất: “Người lao động nghệ thuật”. Với ông, sáng tạo là lẽ sống, là hành trình không hồi kết.