Chứng khoán Aseansc dự báo, trong phiên 1/6/2022, sự giằng co có thể diễn quanh vùng 1.285 - 1.300 điểm trước khi có sự phân định rõ hơn về cuối ngày.
Tổng quan thị trường chứng khoán ngày 31/5
Kết phiên, cổ phiếu NVB bất ngờ tăng vọt 8,8% lên mốc 37.000 đồng với thanh khoản tăng đáng kể so với nhiều phiên trước; PVS ghi nhận mức tăng 5,86%, khối lượng giao dịch đạt 16,8 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu tác động tiêu cực nhất sàn HNX chính là THD khi giảm 8,4% và lùi về 44.500 đồng/cổ phiếu - mức thấp nhất kể từ ngày 10/12/2020. So với mức đỉnh đạt được ngày 31/12/2021 tại 277.000 đồng/cp thì đến nay THD đã giảm hơn 82%.
Trong bối cảnh lao dốc, ông Nguyễn Đức Thụy (hay Bầu Thụy) mới đây đã đăng ký bán toàn bộ hơn 87 triệu cổ phiếu (24,97%) đang sở hữu tại CTCP Thaiholdings (HNX: THD); thời gian thực hiện giao dịch kéo dài từ ngày 1 - 30/6.
Sàn HOSE hôm nay chứng kiến số mã giảm áp đảo. Chỉ số chính nhờ các cổ phiếu lớn như GAS (tăng trần), VCB, VHM, VIC, MSN, CTG, HDB, PLX,… tăng điểm nên phần nào tránh được phiên giảm sâu.
Hôm nay cũng là phiên giao dịch thành công của nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất trong đó DCM, DPM, GDC, BFC, LAS đều tăng khá tốt.
Ngược lại nhiều cổ phiếu trụ cột giảm giá gây áp lực cho chỉ số chung như HPG, VPB, BID, TCB, VNM, REE,...
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,24 điểm (-0,1%) xuống 1.292,68 điểm; toàn sàn có 147 mã tăng, 298 mã giảm và 57 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,99 điểm (0,96%) lên 315,76 điểm; toàn sàn có 84 mã tăng, 124 mã giảm và 48 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,27%) xuống 95,45 điểm.
hư vậy, sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp thì thị trường đã có phiên điều chỉnh đầu tiên với thanh khoản trung bình.
Cụ thể, thanh khoản thị trường cải thiện với giá trị khớp lệnh đạt 17.328 tỷ đồng - tăng 14% so với phiên liền trước trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE tăng 12% lên mức 14.287 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng khoảng 380 tỷ đồng trên HOSE.
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 1/6
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Áp lực điều chỉnh có thể tiếp diễn
VN-Index trải qua một nhịp giảm điểm giằng co trong phiên 31/5 trước khi hồi phục và lấy lại phần lớn điểm số đã mất về cuối phiên. Áp lực chốt lời gia tăng đã khiến cho chỉ số có phản ứng rung lắc sớm với vùng kháng cự gần quanh 1.30x.
Mặc dù áp lực điều chỉnh có thể tiếp diễn trong phiên kế tiếp nhưng cơ hội mở rộng nhịp hồi phục vẫn được duy trì với vùng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.26x.
CTCK Tân Việt (TVSI): Hướng lên vùng 1.350 - 1.370 điểm
Áp lực giảm phiên 31/05 theo TVSI đến từ việc nhiều cổ phiếu đã chững đà tăng và lo ngại lạm phát khi giá xăng, dầu sẽ tiếp tục tăng trong lần điều chỉnh tới. Tuy nhiên, TVSI vẫn bảo lưu quan điểm về đà hồi phục tiếp diễn của thị trường với VN-Index hướng về vùng 1.350 - 1.370 điểm.
CTCK Asean (Aseansc): Rung lắc
Phiên 31/5, thị trường giao dịch khá giằng co, do áp lực bán gia tăng ở nhiều nhóm cổ phiếu, trong bối cảnh số mã giảm giá chiếm ưu thế, thanh khoản tăng nhẹ và cao hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy đà tăng có dấu hiệu chững lại, do đó Aseansc cho rằng khả năng thị trường sẽ xuất hiện những nhịp rung lắc trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn.
Theo đó, Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 1/6, sự giằng co có thể diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.285 - 1.290 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.295 - 1.300 điểm trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
CTCK MB (MBS): Duy trì xu hướng tăng ngắn hạn
Về kỹ thuật, MBS đánh giá phiên điều chỉnh 31/5 không làm thay đổi xu hướng hồi phục của thị trường hơn 2 tuần vừa qua; sự ngập ngừng của chỉ số VN-Index trước ngưỡng cản kỹ thuật 1.297 điểm cùng các nhịp rung lắc trong phiên có tác dụng loại bỏ lượng cổ phiếu T+ qua đó giúp đà phục hồi bền vững hơn.