Nhiều 'cú đấm' tác động đến ngành bia Việt Nam, doanh nghiệp loay hoay tìm kiếm động lực tăng trưởng
Ngành bia và rượu tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức từ chính sách đến thế hệ Gen Z ngày càng tiêu thụ ít hơn, khiến các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích nghi.
Sản lượng tiêu thụ rượu, bia "gặp khó" trong dài hạn
Theo thống kê của Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, sau khi ghi nhận giảm 12% trong năm 2023, 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng ngành bia tiếp tục giảm 4% so với cùng kỳ. Việc tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông của chính quyền các thành phố lớn được cho là nguyên nhân chính.
Theo báo cáo phân tích từ VCBS Research, cả năm 2024 mức giảm có thể còn nhiều hơn nếu tính tới thiệt hại từ cơn bão Yagi đến miền Bắc trong trung tuần tháng 9.
Về dài hạn, tiêu thụ đồ uống có cồn gặp nhiều bất lợi, đặc biệt, theo Forbes, thế hệ Gen Z uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ Millennials, và việc ngày càng nhiều người tiêu dùng chú trọng tới sức khỏe cũng khiến tiêu thụ bia truyền thống giảm. Bên cạnh đó, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2026 – 2030 (giá bán lẻ dự kiến tăng đều 2 - 3%/năm) làm trầm trọng thêm vấn đề, ước tính sản lượng tiêu thụ bia giảm khoảng 0,7% - 1%/năm.
Sản lượng tiêu thu bia của Việt Nam dự báo tiếp tục sụt giảm (Nguồn: VCBS Research) |
Trước những khó khăn của thị trường, tháng 6 vừa qua, Heineken, dù đang chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam (43% năm 2023), đã tạm ngừng hoạt động dự án Nhà máy bia Heineken chi nhánh Quảng Nam. Đây là nhà máy có công suất nhỏ nhất trong số 6 nhà máy của Heineken tại quốc gia xếp thứ 9 thế giới về mức tiêu thụ bia toàn cầu (năm 2020).
Thay đổi để thích ứng
Dù vậy, ngành bia vẫn còn điểm sáng trong việc phát triển những dòng sản phẩm ít cồn, hương vị mới lạ. Theo nghiên cứu của NielsenIQ, người tiêu dùng đang ưa chuộng các sản phẩm có độ cồn nhẹ và hương vị mới lạ, giá bình quân cao hơn so với sản phẩm truyền thống.
VCBS tổng hợp |
Từ hơn 2 năm trở lại đây, nhóm sản phẩm bia có nồng độ cồn thấp, hương vị dễ uống đang được người tiêu dùng đón nhận với sản lượng tiêu thụ tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tại 6 thành phố lớn và kênh hiện đại. Nhìn trên khía cạnh giá bán, các sản phẩm trung cấp và cao cấp đang chiếm ưu thế.
Hai ông lớn Sabeco và Heineken đều đang có xu hướng giảm dần nồng độ cồn và tăng hương vị mới trong sản phẩm của mình với dòng bia Larue Smooth (4,5% - vị ngọt, ít đắng), Tiger Platinum (4,5% - hương vỏ cam), Tiger Soju (4% - vị dưa lưới, mận), Saigon Coffee (4,2% - vị cà phê), Saigon Soju (3,8% đến 4% - vị dứa, chanh).
Việc mạnh tay chi tiêu cho quảng cáo và khuyến mại sẽ chững lại, thay vào đó các công ty tập trung phát triển các dòng sản phẩm mới.
Doanh nghiệp bia tìm kiếm động lực tăng trưởng ở nhóm sản phẩm có độ cồn nhẹ và hương vị mới lạ |
Tháng 8 vừa qua, Sabeco cho ra mắt dòng bia 333 Pilsner được quảng cáo là "êm cực êm" với nồng độ cồn 4,3%. Dù thị trường gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 15.269,8 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt 2.342,6 tỷ đồng, tăng 5,8%. VCBS dự báo năm 2024, Sabeco sẽ ghi nhận doanh thu 31.078 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.360 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 5,9% so với cùng kỳ.
Đối với Heineken, sau khi đóng cửa Nhà máy tại Quảng Nam, công ty có kế hoạch mở rộng Nhà máy Vũng Tàu lên 1.600 triệu lít mỗi năm, tăng 500 triệu lít so với hiện tại (con số tăng thêm gấp đôi công suất của Nhà máy tại Quảng Nam). Tuy nhiên, dự án này không hoàn toàn sản xuất bia, mà sẽ bao gồm 25 triệu lít nước trái cây lên men mỗi năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 540 triệu USD.
>> Sabeco (SAB) sắp vượt mặt Heineken nếu pha 'đi lệnh' này thành công