Doanh nghiệp A-Z

Nhiều doanh nghiệp gạo hàng đầu lâm vào cảnh 'bi đát': Trung An và Angimex đi trước, Lộc Trời nối bước theo sau

Hải Băng 22/10/2024 14:06

Việt Nam là vựa lúa lớn hàng đầu thế giới với nhiều lợi thế cạnh tranh kèm giá bán cao nhất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đầu ngành gạo đang đối mặt khó khăn, chịu thua lỗ, giá cổ phiếu gần như chia đôi trong năm 2024.

Hạn chế giao dịch cổ phiếu Lộc Trời

Ngày 21/10, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra quyết định đưa cổ phiếu LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 24/10. Lý do là doanh nghiệp đến giờ vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán quý II/2024 theo quy định.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, Tập đoàn Lộc Trời phải có văn bản gửi HNX giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.

Trong phiên sáng ngày 22/10, cổ phiếu LTG giảm 14,74% về 8.100 đồng/cp, mức thấp nhất lịch sử. Thanh khoản đạt 3,1 triệu đơn vị, tương ứng 25 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2024, LTG đã mất tới 69% thị giá, vốn hóa hiện tại còn 947 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp gạo hàng đầu lâm vào cảnh 'bi đát': Trung An và Angimex đi trước, Lộc Trời nối bước theo sau
Diễn biến cổ phiếu LTG phiên sáng 22/10

Báo cáo tài chính kiểm toán của Tập đoàn Lộc Trời trở nên "bí ẩn" do những bất ổn trong nội bộ doanh nghiệp. Sự kiện nổi bật là việc miễn nhiệm bất ngờ chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Duy Thuận vào ngày 15/7, sau 4 năm giữ chức. Chỉ sau đó ít ngày, ngày 24/7, Lộc Trời đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi thẻ APEC và áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Thuận. Doanh nghiệp cho biết, ông Thuận “có thái độ né tránh, thiếu hợp tác trong việc bàn giao và có dấu hiệu tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài để thoái thác trách nhiệm". Ngoài ra, ông còn bị tố cáo "có hành vi gian dối, gây thất thoát tài sản của công ty."

Không chỉ gặp vấn đề về quản lý, Lộc Trời cũng đối mặt với lùm xùm liên quan đến việc nợ tiền thu mua lúa của nông dân vào đầu năm 2024 và ghi nhận khoản lỗ 96 tỷ đồng trong quý I/2024.

Lợi thế từ vựa lúa hàng đầu thế giới, doanh nghiệp gạo Việt Nam vẫn "trầy trật"

Nhiều doanh nghiệp gạo hàng đầu lâm vào cảnh 'bi đát': Trung An và Angimex đi trước, Lộc Trời nối bước theo sau
Ảnh minh họa

Việt Nam là vựa lúa hàng đầu thế giới với nhiều thế mạnh về lịch sử lâu đời, chất lượng và sản lượng, tạo lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế. Năm 2023, Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu khi khối lượng và giá trị đều đạt đỉnh, với 8,2 triệu tấn và 4,78 tỷ USD, tăng tương ứng 15,4% và 36,6% so với năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam vượt qua các đối thủ để vươn lên dẫn đầu thế giới.

Dù có nhiều lợi thế như vậy, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành gạo dường như chưa tương xứng. Trước sự việc của Lộc Trời, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (UPCoM: TAR) và CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - UPCoM: AGM) cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Cả Trung An, Angimex và Lộc Trời đều là ba doanh nghiệp hàng đầu trong ngành gạo, với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nhóm này đồng loạt báo lỗ trong năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm, Trung An lỗ 8 tỷ đồng; Angimex lỗ 98 tỷ đồng, mặc dù thị trường gạo được đánh giá có nhiều khởi sắc.

Nguyên nhân thua lỗ một phần đến từ giá vốn ngành quá cao, lên đến 94%. Sau khi trừ các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và lãi vay..., các doanh nghiệp khó kiếm lợi nhuận.

anh1.png
Nguồn: Tổng hợp

Vào tháng 5/2024, cổ phiếu TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã bị hủy niêm yết trên sàn HNX. Nguyên nhân do công ty bị tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023. Cổ phiếu TAR bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần. Kể từ đầu năm 2024, giá cổ phiếu TAR đã giảm 56%, xuống còn 4.000 đồng/cổ phiếu, khiến vốn hóa thị trường giảm còn 313 tỷ đồng.

Đối với cổ phiếu AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang, vào tháng 9/2023, cổ phiếu này đã bị đình chỉ giao dịch và chỉ đến tháng 3/2024 mới được giao dịch trở lại. Hiện tại, cổ phiếu AGM vẫn thuộc diện kiểm soát của HoSE do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp. Trong năm 2024, giá cổ phiếu AGM đã giảm 44%, khiến vốn hóa thị trường giảm còn 64 tỷ đồng.

>> Màn sương mù phía sau ‘trận đánh’ ở Lộc Trời

VN-Index giảm 10 điểm, margin lên đỉnh lịch sử, tỷ giá 'nóng' trở lại

Diễn biến mới tại dự án bất động sản đầu tay tổng vốn 2.000 tỷ đồng của Coteccons (CTD)

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhieu-doanh-nghiep-gao-hang-dau-lam-vao-canh-bi-dat-trung-an-va-angimex-di-truoc-loc-troi-noi-buoc-theo-sau-255273.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhiều doanh nghiệp gạo hàng đầu lâm vào cảnh 'bi đát': Trung An và Angimex đi trước, Lộc Trời nối bước theo sau
    POWERED BY ONECMS & INTECH