Nhiều 'doanh nhân ảo' giúp Trịnh Văn Quyết góp vốn khống tại FLC Faros: Từ em rể đến cô thợ may
Bằng cách lập các hợp đồng ủy thác đầu tư, cho vay vốn, hợp tác kinh doanh khống, ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đã che giấu việc tăng vốn ảo từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng của FLC Faros.
Chiều 22/7, sau khi đại diện VKSND Hà Nội công bố xong bản cáo trạng 107 trang, HĐXX cách ly bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng em gái Trịnh Thị Minh Huế, bị cáo Lê Văn Tuấn (kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội CPA) để lấy lời khai độc lập với 47 bị cáo khác.
Là người đầu tiên trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Trịnh Văn Đại, cựu Phó Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng FLC Faros khai có là anh họ của ông Trịnh Văn Quyết.
Dù Không là cổ đông, không góp vốn vào Công ty Faros, ông Đại lại là người ký các quyết định tăng vốn, ủy nhiệm chi, giấy chuyển tiền (để góp vốn vào Faros), ký các hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Faros với các công ty thuộc hệ sinh thái để hợp thức hóa dòng tiền sau khi khống vốn.
Bị cáo Đại còn khai, bà Trịnh Minh Huế mượn chứng minh thư của bị cáo để mở tài khoản chứng khoán. Tuy nhiên, ông Đại không biết các tài khoản chứng khoán này hoạt động như thế nào, không được hưởng lợi gì từ việc này.
Ngoài ra, ông Đại cũng cho Huế mượn chứng minh nhân dân để mở 3 công ty và không nhớ để Huế lập bao nhiêu tài khoản chứng khoán. Toàn bộ tài khoản này, ông Đại nói không sử dụng quản lý mà đưa cho Huế, "hoàn toàn không biết sử dụng thế nào vào việc gì". Ngoài lương tại công ty, ông không được anh em ông Quyết cho hưởng lợi gì thêm.
Trong vụ án ông Đại thuộc nhóm 8 người bị truy tố cả hai tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chịu trách nhiệm chung về thiệt hại 4.300 tỷ đồng. Ông bị cơ quan công tố đánh giá "tham gia tích cực", giúp sức cho anh em ông Quyết trong hành vi khống vốn và thao túng thị trường.
Bị cáo Nguyễn Văn Mạnh, cựu Trưởng nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV FLC Land, em rể ông Quyết cũng khai có ký kết các hợp đồng nộp tiền, chuyển nhượng, ủy thác đầu tư với Công ty Faros. Việc ký kết này do bị cáo Trịnh Thị Minh Huế nhờ, ông Mạnh không có mục đích gì.
Bị cáo Trịnh Tuân, nguyên Giám đốc Công ty FLC Land (cháu họ ông Quyết), khai từng ký vào các chứng từ không có nội dung. Mục đích ký những giấy tờ này để phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty. Giống như các bị cáo trên, bị cáo Trịnh Tuân khai cho Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư để mở tài khoản chứng khoán.
Đáng chú ý, ngoài những người giữ chức vụ trong hệ sinh thái FLC, một nữ thợ may cũng đặt bút ký hợp đồng hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung,vợ Nguyễn Quang Trung, họ hàng với bị cáo Trịnh Văn Quyết khai có ký hợp đồng ủy thác đầu tư, giấy nhận tiền vay với FLC Faros trị giá 360 tỷ đồng.
Bị cáo Dung khai cho Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh để mở các tài khoản chứng khoán. Các tài khoản này sau đó do bị cáo Huế sử dụng, bà Dung không quản lý, không biết sử dụng như thế nào.
"Nghề nghiệp chính của bị cáo là thợ may tại nhà, bị cáo không phải là cổ đông của Công ty Faros, không góp vốn vào công ty này", bà Dung khai.
Cáo trạng thể hiện, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng được Trịnh Thị Minh Huế nhờ ký một hợp đồng nhận ủy thác đầu tư, giấy nhận tiền vay Công ty Faros số tiền 360 tỷ đồng để hợp thức nâng khống vốn góp khống từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng; ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư để che giấu dòng tiền nâng khống vốn trước đó.
Hành vi của Nguyễn Thị Hồng Dung đã tạo điều kiện để Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán từ đó giúp Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
>> Vụ án Trịnh Văn Quyết: Một nhà đầu tư bắt tàu hỏa từ Nam ra Bắc để 'tìm' 14 tỷ đồng