Nợ công toàn cầu sẽ vượt 100 nghìn tỷ USD, chuyên gia cảnh báo về siêu cường số 1 thế giới
Sự gia tăng chóng mặt này một phần do các chính sách kích thích tài khóa và kinh tế chậm lại, đẩy nhu cầu vay mượn lên cao.
Theo báo cáo Giám sát Tài chính mới nhất của IMF, nợ công toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục mới, tương đương 93% GDP vào cuối năm 2024 và có thể lên tới gần 100% vào năm 2030. Con số này vượt xa mức đỉnh trước đó trong đại dịch COVID-19 và cao hơn 10% so với năm 2019.
Cảnh báo này được đưa ra trước thềm cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới tại Washington. IMF nhận định, xu hướng chi tiêu gia tăng, đặc biệt là tại Mỹ, cùng với những áp lực ngày càng lớn từ các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, già hóa dân số và an ninh, sẽ khiến nợ công tiếp tục tăng cao trong tương lai.
"Chính sách tài khóa đang trở nên không chắc chắn hơn, và các giới hạn về thuế ngày càng được củng cố", IMF cho biết trong báo cáo. "Áp lực chi tiêu để giải quyết các vấn đề chuyển đổi xanh, già hóa dân số, an ninh và những thách thức phát triển lâu dài đang gia tăng".
Lời hứa trong chiến dịch tranh cử
Mối lo ngại của IMF về mức nợ gia tăng xuất hiện chỉ 3 tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, trong đó cả hai ứng cử viên đều hứa hẹn các khoản giảm thuế và chi tiêu mới có thể làm tăng thêm hàng nghìn tỷ USD vào thâm hụt ngân sách liên bang.
Theo ước tính trung tâm của Ủy ban Ngân sách Trách nhiệm Liên bang (CRFB), một viện nghiên cứu về ngân sách, kế hoạch cắt giảm thuế của ông Trump dự kiến sẽ khiến nợ công Mỹ tăng thêm 7,5 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới, gấp đôi so với mức 3,5 nghìn tỷ USD từ các kế hoạch của Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên Đảng Dân chủ.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng các dự báo về nợ thường thấp hơn thực tế với sai số lớn, khi tỷ lệ nợ trên GDP thực tế trung bình sau năm năm cao hơn 10% so với dự báo ban đầu.
Các yếu tố như tăng trưởng kinh tế chậm lại, chính sách tài khóa và tiền tệ bất ổn có thể đẩy nợ công toàn cầu lên mức báo động. Theo kịch bản xấu nhất của CRFB, nợ công toàn cầu có thể tăng lên 115% chỉ trong 3 năm, cao hơn 20% so với dự báo hiện tại.
Giảm chi tiêu
IMF tiếp tục kêu gọi các quốc gia tăng cường củng cố tài khóa, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện tại đang phục hồi. Tuy nhiên, các nỗ lực hiện tại, trung bình 1% GDP trong sáu năm từ 2023 đến 2029, là không đủ để giảm hoặc ổn định nợ.
Để đạt được mục tiêu ổn định nợ, nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu, cần phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và cải cách hệ thống thuế.
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, Hoa Kỳ dự kiến sẽ báo cáo mức thâm hụt tài khóa năm 2024 khoảng 1,8 nghìn tỷ USD, tương đương hơn 6,5% GDP. IMF cảnh báo rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác, nơi nợ được dự báo tiếp tục tăng như Brazil, Anh, Pháp, Ý và Nam Phi, có thể đối mặt với những hậu quả tốn kém.
Bà Era Dabla-Norris, Phó Giám đốc Tài khóa của IMF, nhấn mạnh rằng, "việc trì hoãn điều chỉnh sẽ chỉ dẫn đến nhu cầu điều chỉnh lớn hơn trong tương lai, và chờ đợi cũng có thể nguy hiểm, vì kinh nghiệm trước đây cho thấy nợ cao và thiếu các kế hoạch tài khóa đáng tin cậy có thể kích hoạt phản ứng tiêu cực từ thị trường và hạn chế khả năng đối phó với các cú sốc trong tương lai”.
Bà cho biết việc cắt giảm chi tiêu công hiệu quả hơn là các khoản trợ cấp không cần thiết. Các quốc gia cũng nên xem xét mở rộng cơ sở thuế và cải thiện hiệu quả thu thuế để tăng nguồn thu ngân sách.
Theo Reuters