Nổ lớn tại lễ hội tập trung đông người khiến hơn 150 người bị thương: Nạn nhân lập tức được đưa đến bệnh viện, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra
Đáng chú ý, các báo cáo cho biết màn bắn pháo hoa được thực hiện mà không có giấy phép.
Theo hãng thông tấn AP, hơn 150 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng trong vụ nổ pháo hoa xảy ra tại một lễ hội tôn giáo ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ.
Cụ thể, vụ nổ xảy ra vào đêm 28/10 (giờ địa phương) tại cơ sở lưu trữ pháo hoa gần đền Veerarkavu ở Kasargod, cách thành phố Thiruvananthapuram, thủ phủ của bang Kerala, gần 580km về phía Tây Bắc. Những người bị thương đã được đưa đến điều trị tại nhiều bệnh viện thuộc các quận Kasargod, Kannur và Mangaluru.
Những người chứng kiến cho biết vụ việc xảy ra trong một buổi trình diễn pháo hoa khi một quả pháo rơi trúng vào tòa nhà chứa thuốc nổ. Theo chính quyền địa phương và Manorama News, các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy khu vực nơi quả pháo được đốt và phòng chứa chỉ cách nhau vài mét, mặc dù theo quy định, khoảng cách tối thiểu phải là 100m.
Cảnh sát đã tiến hành bắt giữ quản lý ngôi đền vì liên quan đến vụ nổ này. Đáng chú ý, các báo cáo cho biết màn bắn pháo hoa được thực hiện mà không có giấy phép. Sau sự việc, các lễ kỷ niệm tại ngôi đền cũng đã bị đình chỉ.
Trước đó, vào hôm 14/10, chính quyền thành phố New Delhi của Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc sản xuất, cất giữ, bán và sử dụng pháo tại vùng Thủ đô cho đến ngày 1/1/2025.
Tại Ấn Độ, pháo hoa được sử dụng rộng rãi trong các lễ hội tôn giáo và đám cưới. Đáng nói, các vụ nổ pháo hoa gây thương vong xảy ra gần như hằng năm, chủ yếu do hành vi phớt lờ các tiêu chuẩn an toàn phòng, chống cháy nổ.
Vào tháng 7 năm ngoái, một vụ nổ tại nhà máy pháo hoa ở miền Nam Ấn Độ đã cướp đi sinh mạng của 8 người. Năm 2018, vụ cháy lớn tại nhà máy sản xuất pháo hoa ở New Delhi cũng đã khiến 17 công nhân thiệt mạng. Năm 2016, ít nhất 112 người đã thiệt mạng sau một vụ nổ lớn do màn bắn pháo hoa bị cấm tại một ngôi đền trong lúc chuẩn bị đón năm mới của người Hindu.