Vĩ mô

Nỗ lực của ĐBSCL vẫn không đủ để kích thích sự quan tâm của các nhà đầu tư

Phúc Lam 29/09/2024 - 16:32

ĐBSCL đã rất nỗ lực để thu hút các nhà đầu tư nhưng kết quả không như mong muốn.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với vị trí địa lý thuận lợi cùng sự ưu đãi của thiên nhiên đang đứng trước nhiều cơ hội đầu tư từ nhiều ông lớn. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 5 cụm ngành ĐBSCL có lợi thế thu hút đầu tư bao gồm: lúa gạo, thủy sản, rau quả, du lịch và năng lượng.

Theo thông báo của VCCI ĐBSCL, trong giai đoạn 2015-2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng thấp nhất cả nước. Trong đó, phân bổ vốn đầu tư khu vực nhà nước tại vùng này khoảng 12,5%, duy trì gần như không đổi trong suốt 10 năm qua. Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này có tăng nhưng chiếm tỷ trọng không đáng kể so với các vùng khác khi tỷ lệ vốn FDI của vùng thấp thứ hai cả nước, chỉ cao hơn Tây Nguyên.

Ngoài ra, trung bình giai đoạn 2018-2023, 2 địa phương có tổng vốn và tăng trưởng tốt nhất vùng là Long An và Tiền Giang. Trong khi đó, 4 địa phương với mức tăng trưởng vốn đầu tư thấp nhất toàn vùng gồm: Bến Tre, An Giang, Cần Thơ và Hậu Giang.

Bên cạnh đó, kể từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn đầu tư khu vực FDI vào ĐBSCL cũng xuất hiện những dấu hiệu sụt giảm đáng kể, trong khi các vùng kinh tế khác đều có xu hướng tăng. Trong tổng lượng vốn FDI vào Việt Nam, ĐBSCL chỉ chiếm trung bình 6%. Điều này cho thấy đây không phải nơi nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư.

Nỗ lực của ĐBSCL vẫn không đủ để kích thích sự quan tâm của các nhà đầu tư
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Trong thời gian qua, vùng đã xác định rõ tầm nhìn, định hướng phát triển; cùng với đó, các kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội đã được tập trung đầu tư đồng bộ và hiện đại. Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đặc biệt chất lượng điều hành và quản trị của vùng được đánh giá cao. Điều này đem đến những cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư phát triển, sản xuất, tăng cường đầu tư,...

Mặc những nỗ lực, tình hình thu hút đầu tư của vùng vẫn chưa đạt hiệu quả. Để tháo gỡ những khó khăn và trở thành điểm sáng trong mắt nhà đầu tư, vùng cần giải quyết những vấn đề sau: tài nguyên thiên nhiên đang khai thác thiếu tính bền vững, tình hình biến đổi khí hậu, chậm cải tiến cơ sở hạ tầng logistics, công nghiệp hỗ trợ phát triển còn hạn chế và lao động có tay nghề chuyên môn còn ít.

Để nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư, ĐBSCL cần tăng cường liên kết vùng để tạo môi trường đầu tư chung, cơ sở hạ tầng chung, khắc phục những cạnh tranh bất lợi. Điều này không chỉ giúp ĐBSCL thu hút nhiều nhà đầu tư mà còn là cơ hội để các địa phương, vùng kinh tế khác phát triển.

Bên cạnh đó, ĐBSCL cần có những giải pháp để tháo gỡ nút thắt về thể chế; tăng cường hoạt động xúc tiến; đưa ra nhiều thể chế, chính sách ưu đãi; đơn giản hóa thủ tục hành chính và pháp lý; nâng cao chất lượng nguồn lao động; tích cực tăng cường quảng bá hình ảnh của vùng. Có như vậy, những điểm tắc nghẽn hiện hữu mới được tháo gỡ, từng bước đưa vùng trở thành địa điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

>> 'Đất lành chim đậu': Một tỉnh thuộc ĐBSCL là ngôi sao sáng thu hút vốn FDI với hàng loạt dự án đầu tư khủng

Bệ đỡ của Việt Nam trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư FDI thế hệ mới

'Dọn tổ đón đại bàng’: Một tỉnh thuộc trung du miền núi Đông Bắc là thỏi nam châm thu hút vốn FDI

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/no-luc-cua-dbscl-van-khong-du-de-kich-thich-su-quan-tam-cua-cac-nha-dau-tu-250382.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Nỗ lực của ĐBSCL vẫn không đủ để kích thích sự quan tâm của các nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS & INTECH