Bệ đỡ của Việt Nam trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư FDI thế hệ mới
Thủ tướng tin rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 vừa diễn ra cách đây ít ngày, phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND Thành phố cùng khách mời, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã được tổ chức.
Trong phiên đối thoại, TS. Trần Du Lịch đã đặt câu hỏi về chính sách thu hút các doanh nghiệp "đầu đàn" về chip, bán dẫn… trong bối cảnh rất nhiều nước cạnh tranh gay gắt. "Về lĩnh vực này, chúng ta có chính sách cụ thể nào, đặc biệt lĩnh vực đầu tư FDI thế hệ mới?", ông nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trong định hướng chỉ đạo chung tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị năm 2019, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là thu hút những dự án có quy mô lớn, thân thiện với môi trường, có công nghệ cao, từ đó hướng tới nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Ông cho biết, để nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần đảm bảo các điều kiện căn bản.
Trước tiên, cần phải đảm bảo rõ ràng, minh bạch trong các định hướng về phát triển triển và định hướng về chính sách. Ở đây liên quan đến vấn đề định hướng trong chiến lược phát triển của nước ta, đồng thời trong kế hoạch cụ thể phát triển ngành, lĩnh vực. Từ đó, các nhà đầu tư sẽ thấy và dành sự quan tâm đến Việt Nam.
Vấn đề thứ hai liên quan đến những điều kiện căn bản của đầu tư nước ngoài như đất đai, nguồn nhân lực, năng lượng,...
Ông Phương nêu Việt Nam đã sửa đổi Luật Đất đai để gia tăng cơ hội cho các nhà đầu tư có thể tiếp cận đất đai. Bên cạnh đó, Quy hoạch Điện VIII đã được phê duyệt cũng như chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng trong việc triển khai đường dây 500kV mạch 3 nhằm đảm bảo đủ điện, không để thiếu điện cho sản xuất và người dân.
Bên cạnh đó, đối với đào tạo nguồn nhân lực, những chính sách bổ sung hay Quyết định của Thủ tướng phê duyệt đề án đào tạo 100.000 kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao trong lĩnh vực bán dẫn, AI sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bán dẫn,...
Ông Phương đề cập thêm, để duy trì môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, Thủ tướng cũng có những chỉ đạo đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hoàn thiện Nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư. Đặc biệt, mục đích của quỹ hỗ trợ đầu tư là hướng tới những nhà đầu tư trong các lĩnh vực như: công nghệ, công nghiệp mới về chip bán dẫn, hydrogen xanh,... Điều này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng đầu tư tại Việt Nam với những dự án mới bên cạnh những dự án hiện hành mà các doanh nghiệp đang vận hành.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Ảnh: VGP |
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, FDI có vai trò quan trọng và mang tính đột phá đối với điều kiện hiện nay của Việt Nam. Dù FDI toàn cầu từ đầu năm đến nay có sự suy giảm nhưng Việt Nam vẫn thu hút được 21 tỷ USD nguồn vốn FDI đăng ký và giải ngân 14 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Điều này thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư có hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh những yếu tố Việt Nam cần khắc phục để việc thu hút FDI đạt hiệu quả. Trước tiên, đảm bảo thể chế sao cho thông thoáng, giảm bớt những thủ tục không cần thiết, đồng thời phân cấp, phân quyền cho địa phương nhiều hơn.
Cùng với đó, để thu hút FDI, hạ tầng phải thông suốt, có như vậy mới tạo ra không gian phát triển mới, tăng giá trị đất đai, giảm thiểu chi phí, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế. Hiện chi phí logistics của nước ta chiếm khoảng 17-18% GDP, mục tiêu phải giảm xuống còn khoảng 11-12%.
Cuối cùng, cần dành sự quan tâm lớn đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo,...
Với những nỗ lực trong việc xây dựng cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt cùng với con người và quản trị thông minh bên cạnh những cam kết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư. Thủ tướng tin rằng Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ở hiện tại và tương lai.
Khốc liệt đường đua ngành bán dẫn: Việt Nam dốc sức để nắm bắt cơ hội
'Dọn tổ đón đại bàng’: Một tỉnh thuộc trung du miền núi Đông Bắc là thỏi nam châm thu hút vốn FDI