Chỉ số PCI của tỉnh tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ bất ngờ giảm mạnh, nguyên nhân do đâu?
Chỉ số PCI của Hà Tĩnh đã giảm khá mạnh và tỉnh đang có những chiến lược quyết liệt để cải thiện chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh.
Nền kinh tế Hà Tĩnh phát triển tương đối ổn định, năm 2023 dù gặp nhiều thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế tỉnh vẫn đạt 8,05%, cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ và xếp thứ 15 toàn quốc. Trong đó, công nghiệp đóng vai trò chủ lực khi đóng góp 3,5% trong tổng số 8,05% tăng trưởng chung.
Từng nổi bật với môi trường đầu tư hấp dẫn, nhưng đến năm 2023, chỉ số PCI của tỉnh đã giảm xuống chỉ còn 63,76 điểm, đứng thứ 54/63 tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đánh giá chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh của các tỉnh thành tại Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Chỉ số PCI của Hà Tĩnh tụt giảm nghiêm trọng - Nguồn: VCCI |
Nguyên nhân của sự tuột dốc
Chỉ số PCI năm 2023 của Hà Tĩnh, đánh giá qua 10 thành phần và 141 chỉ tiêu, cho thấy sự cải thiện ở một số lĩnh vực như: số doanh nghiệp gia nhập thị trường, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Tuy nhiên, sự sụt giảm chủ yếu liên quan đến các chỉ số về tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp và chỉ số đào tạo lao động của doanh nghiệp này không được đánh giá cao.
Theo báo Nhân Dân, một số doanh nghiệp cho biết các thủ tục hành chính còn kéo dài và rườm rà. Cụ thể, doanh nghiệp phải chờ một khoảng thời gian rất lâu để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỉnh thiếu quỹ đất sạch sẵn có. Điều này, kết hợp với việc các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất tại địa phương còn tốn nhiều thời gian, đã dẫn đến việc chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Tĩnh bị đánh giá thấp.
Bên cạnh vấn đề về đất đai, chỉ số chi phí thời gian cũng đóng góp đáng kể vào sự giảm sút của PCI. Năm 2023, chỉ số này của Hà Tĩnh giảm xuống còn 6,86 điểm, giảm 0,54 điểm so với năm 2022 và tụt 30 bậc, xếp thứ 59 trong số 63 tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, sự gia tăng đáng kể số giờ thanh, kiểm tra thuế cũng được các doanh nghiệp nêu rõ là một vấn đề đáng lo ngại, cần được tỉnh nhận diện và giải quyết kịp thời.
Cuối cùng, việc phát triển kỹ năng cho các ngành công nghiệp địa phương và tìm kiếm việc làm cho lao động vẫn còn hạn chế, điều này góp phần làm giảm điểm số tổng thể của PCI. Việc cải thiện các vấn đề này sẽ là chìa khóa để nâng cao chỉ số PCI của Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Kế hoạch lấy lại vị thế
Ngày 7/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp tham mưu giải pháp nâng cao chỉ số PCI cũng như Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà khẳng định rằng chỉ số PCI không chỉ phản ánh công tác lãnh đạo và chỉ đạo mà còn ảnh hưởng lớn đến vị thế và hình ảnh của tỉnh. Trước tình hình hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất một loạt giải pháp chiến lược để cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới. Những biện pháp được đưa ra bao gồm: cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo và xúc tiến đầu tư, tăng cường quản lý Nhà nước về đầu tư, xây dựng và đất đai đồng thời khuyến khích các phương thức kinh doanh xanh, thân thiện với môi trường.
Những giải pháp này là nền tảng quan trọng giúp tỉnh Hà Tĩnh nâng cao chỉ số PCI và thúc đẩy sự phát triển toàn diện trong thời gian tới.
>>Tỉnh duy nhất 16 lần lọt top địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước
Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc)
Thủ tướng: '5 đẩy mạnh' trong cải cách hành chính để huy động mọi nguồn lực cho phát triển