Nội chiến gia tộc đứng sau đế chế truyền thông lớn nhất thế giới: Cụ ông 93 tuổi cưới vợ lần thứ 5, đối đầu gay gắt với 3 con ruột
Cuộc chiến giữa cha con ông trùm Rupert Murdoch nhằm giành quyền kiểm soát đế chế truyền thông khổng lồ nắm giữ Fox News, Wall Street Journal đang đến hồi căng thẳng.
Số phận của đế chế truyền thông khổng lồ do tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch xây dựng, bao gồm cả Fox News, hiện đang được quyết định bởi một ủy viên di chúc tại Reno. Những đại diện pháp luật này sẽ xem xét liệu ông trùm truyền thông 93 tuổi có thể thay đổi kế hoạch kế nhiệm để tiếp tục "di sản bảo thủ" của đế chế News Corp hay không.
Rupert Murdoch, ở tuổi 93, vẫn kiểm soát một đế chế truyền thông gồm những tên tuổi lớn như Wall Street Journal, The New York Post, Times of London và Fox News. Hồi tháng 6, tỷ phú Murdoch gây sốc khi cưới vợ lần thứ 5. Người mà ông kết hôn là bà Elena Zhukova, kém ông 26 tuổi, vốn là vợ cũ của tài phiệt người Nga Roman Abramovich.
Ông chỉ vừa mới rời bỏ ghế Chủ tịch tập đoàn News Corp vào năm 2023 và trao quyền lại cho con trai cả, Lachlan Murdoch. Động thái này khiến cuộc chiến tranh giành quyền thừa kế khối tài sản 9,77 tỷ USD của nhà Murdoch trở nên gay cấn hơn bao giờ hết khi xuất hiện nhân tố mới có khả năng thay đổi di chúc.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn đã nảy sinh. Theo một thỏa thuận được lập từ năm 1999, sau khi Rupert Murdoch qua đời, quyền biểu quyết của ông sẽ được chia đều cho bốn người con, bao gồm cả Lachlan.
Trong số đó, chỉ có Lachlan là người cùng chia sẻ quan điểm bảo thủ giống cha mình. Trong khi đó, ba người con còn lại – James, Elisabeth và Prudence – có quan điểm trung dung, không nghiêng về cánh tả hay cánh hữu. Nếu họ nắm quyền, các kênh truyền thông thuộc News Corp có thể đi theo hướng ôn hòa hơn, trái ngược với đường lối bảo thủ mà Murdoch đã xây dựng.
Thỏa thuận này, vốn được ràng buộc chặt chẽ và có các điều khoản không thể hủy ngang, khiến Murdoch muốn thay đổi để bảo đảm di sản bảo thủ của mình. Ông đã đệ đơn lên tòa án nhằm sửa đổi thỏa thuận để Lachlan có toàn quyền quyết định sau khi ông qua đời. Lý do mà Murdoch đưa ra là chỉ khi duy trì quan điểm bảo thủ, các tờ báo và kênh truyền hình mới tiếp tục phát triển, mang lại lợi ích tài chính cho các con. Ông lo ngại nếu trao quyền đồng đều, với đa số các con có tư tưởng ôn hòa, sẽ dẫn đến thất bại tài chính cho gia đình.
Ba người con của Murdoch đã lập tức khởi kiện, trong khi Lachlan đứng về phía cha mình. Vụ tranh chấp này thu hút sự chú ý lớn từ giới truyền thông, giới chính trị gia và công chúng, không chỉ bởi tính chất kịch tính mà còn vì kết quả của nó sẽ định hình tương lai của những tờ báo và đài truyền hình có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu.
Fox News, một trong những tài sản giá trị nhất của Murdoch, nổi tiếng với quan điểm bảo thủ và vai trò quan trọng trong việc đưa Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ năm 2016. Đài này cũng từng phải trả 787 triệu USD để dàn xếp vụ kiện với Dominion Voting Systems vì đưa tin sai lệch về cuộc bầu cử năm 2020.
Hiện tại, quyền biểu quyết tại Fox News vẫn thuộc về Rupert Murdoch, và nếu ông thành công trong việc sửa đổi thỏa thuận, Lachlan sẽ kế thừa toàn bộ quyền lực sau khi ông qua đời. Ngược lại, nếu các con khác thắng kiện, có thể Fox News sẽ chuyển sang một hướng đi ôn hòa hơn.
Vụ kiện đang diễn ra trong bối cảnh kín đáo tại bang Nevada, nơi có hệ thống tư pháp bảo vệ sự riêng tư cao. Các tổ chức tin tức lớn như CNN, The New York Times và The Washington Post đã nộp đơn yêu cầu công khai vụ kiện, lập luận rằng kết quả của nó có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người tiêu dùng truyền thông trên toàn thế giới cũng như bối cảnh chính trị của Mỹ.
Reece Peck, phó giáo sư về văn hóa truyền thông tại Đại học Thành phố New York, nhận định: "Rupert Murdoch luôn giỏi trong việc cân bằng lợi ích kinh doanh và mục tiêu tư tưởng, và ông dường như coi Lachlan là người duy nhất có thể tiếp tục nhiệm vụ đó."
Áp lực minh bạch từ công chúng
Cuộc chiến quyền lực này đang diễn ra tại Nevada - bang có quy định bảo mật nghiêm ngặt nhất về các vấn đề tín thác gia đình, cho phép các bên và tòa án xét xử kín đến mức công chúng không thể biết về sự tồn tại của vụ án.
Tuy nhiên, một liên minh gồm sáu tập đoàn truyền thông lớn - The Associated Press, CNN, National Public Radio, The New York Times, Reuters và The Washington Post - đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Nevada, yêu cầu Tòa công khai thông tin về vụ việc.
Họ lập luận rằng kết quả của vụ việc này sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến "hàng nghìn việc làm, hàng triệu độc giả trên toàn cầu và cả bối cảnh chính trị Hoa Kỳ".
"Số phận của khối tài sản khổng lồ và đế chế truyền thông Murdoch là vấn đề được công chúng vô cùng quan tâm", trích dẫn từ hồ sơ pháp lý. "Công chúng có quyền lợi chính đáng trong việc đảm bảo rằng tòa án thực thi công lý một cách công bằng và minh bạch".
Gia tộc Murdoch từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho bộ phim truyền hình nổi tiếng "Succession" của HBO, với những tình tiết xoay quanh cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt giữa các thành viên trong một gia đình nắm giữ đế chế truyền thông khổng lồ. Câu chuyện của bộ phim, với nhân vật chính là Logan Roy – một ông trùm truyền thông già cỗi đối mặt với các cuộc tranh giành quyền lực từ những đứa con đầy tham vọng – được cho là phản ánh nhiều khía cạnh thực tế của gia tộc Murdoch.
Một vài tờ báo nổi tiếng như Guardian, The New Yorker đã ngầm ám chỉ cuộc chiến gia tộc Murdoch đã truyền cảm hứng cho các nhà biên kịch của Succession để tạo nên thương hiệu phim truyền hình dài tập công phá nhiều giải thưởng hàn lâm lẫn sự yêu thích đặc biệt của khán giả .
Điều đó càng gia thêm sự quan tâm của công chúng đối với vụ kiện ngoài đời thật, khi những quyết định được đưa ra không chỉ ảnh hưởng đến vận mệnh gia đình mà còn định hình tương lai của một trong những tập đoàn truyền thông quyền lực nhất thế giới.
Theo Guardian, CNN
>> Deloitte: Các gia tộc siêu giàu sẽ nắm trong tay khối tài sản 9,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030