'Nối gót' Nvidia, một công ty chip AI được kỳ vọng sẽ gia nhập 'câu lạc bộ' vốn hóa nghìn tỷ USD

05-03-2024 11:12|Phương Nhi

Nhu cầu về AI tiếp tục tăng cao, nhà đầu tư đang kỳ vọng các nhà sản xuất chip khác có thể "nối gót" Nvidia để trở thành doanh nghiệp trị giá 1 nghìn tỷ USD.

Một trong những trụ cột quan trọng nhất của trí tuệ nhân tạo (AI) là chất bán dẫn. Theo đó, những con chip này thường được gọi là bộ xử lý đồ họa (GPU) và bộ xử lý trung tâm (CPU), đóng vai trò quan trọng trong các ứng dụng AI tạo sinh.

Tính đến thời điểm hiện tại, "gã khổng lồ"Nvidia được ước tính sở hữu tới 95% thị trường chip, thống trị thị trường GPU dành cho AI. Vốn hóa thị trường của hãng đã vượt qua ngưỡng 2 nghìn tỷ USD. Để hình dung mức tăng trưởng vượt bậc này, công ty mới chỉ đạt mốc 1 nghìn tỷ USD vào giữa năm 2023, và chỉ trong khoảng 9 tháng sau đó, công ty đã tăng thêm gần 1 nghìn tỷ USD giá trị.

Nhu cầu về AI vẫn đang tiếp tục tăng cao, nhà đầu tư đang tò mò liệu các nhà sản xuất chip khác có thể đi theo con đường của Nvidia để trở thành doanh nghiệp trị giá 1 nghìn tỷ USD hay không? Công ty tiềm năng được gọi tên chính là Advanced Micro Devices (AMD), công ty phát triển một loạt sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với Nvidia.

Với mức vốn hóa thị trường 311 tỷ USD, AMD sẽ cần phải tăng gấp ba lần giá trị để có thể gia nhập "câu lạc bộ" nghìn tỷ USD.

'Nối gót' Nvidia, một công ty chip AI được kỳ vọng sẽ gia nhập 'câu lạc bộ' vốn hóa nghìn tỷ USD

Victor Peng, chủ tịch AMD. Nguồn: AMD

AMD đang nỗ lực hết mình

Trong cả năm 2023, AMD đã báo cáo tổng doanh thu đạt 22,7 tỷ USD, thấp hơn 4% so với năm trước. Tuy nhiên, phần lớn sự sụt giảm này có thể là do nhu cầu trên thị trường máy tính cá nhân (PC) suy yếu. Hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) của AMD thực tế đã tăng trưởng 7% so với năm trước.

Mặc dù mức tăng trưởng 7% có vẻ hơi thấp, ban lãnh đạo của AMD dự đoán thị trường mà công ty có thể nhắm đến là chip AI phục vụ cho trung tâm dữ liệu sẽ đạt 400 tỷ USD vào năm 2027. Ước tính này ngụ ý AMD có thể đạt được lợi nhuận bùng nổ khi hoạt động sản xuất chip MI300X của họ bắt đầu mở rộng quy mô.

Vẫn còn nhiều việc cần làm

Bất chấp quy mô thị trường tiềm năng, AMD còn rất nhiều việc phải làm để thu hẹp khoảng cách với Nvidia. Mặc dù AMD được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn, tổng thể khối lượng kinh doanh so với Nvidia lại nhỏ hơn nhiều.

Có thể thấy, chip A100 và H100 của Nvidia là những mặt hàng hot nhất trên trị trường GPU. Tuy nhiên, công ty không hề ngủ quên trên chiến thắng của mình. Nvidia đang có kế hoạch ra mắt các sản phẩm thế hệ tiếp theo vào cuối năm nay, bao gồm cả chip B100 rất được mong đợi.

Con đường đến mức định giá 1 nghìn tỷ USD của AMD sẽ rất khó khăn. Nếu có thể tăng doanh thu với tốc độ hơn 20% từ nay cho đến năm 2030, AMD sẽ đạt được mức doanh thu 90 tỷ USD vào năm 2030. Sử dụng tỷ lệ giá trên doanh thu (P/S) dài hạn của công ty ở mức 4,8 lần, kết quả kinh doanh trên sẽ giúp AMD có mức định giá 432 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần xem xét sự phát triển của chip AI ngoài phạm vi của Nvidia và AMD. Cụ thể, cạnh tranh từ những công ty như Microsoft và Amazon có thể ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng của hai công ty trên trong dài hạn.

Mặc dù AMD vẫn là một cái tên sáng trong lĩnh vực GPU AI, quá trình trở thành một công ty nghìn tỷ USD của công ty này vẫn còn khá chông gai so với đối thủ Nvidia.

>> Cổ phiếu Nvidia và AMD phá đỉnh nhờ nhu cầu chip AI tăng đột biến

Xe điện hết sốt, giờ là thời của AI: Liệu cổ phiếu 'siêu hot' Nvidia có 'đi vào vết xe đổ' của Tesla?

CEO Nvidia: Siêu AI có khả năng tư duy như con người sắp xuất hiện, sở hữu khả năng khiến các nhà khoa học phải 'kinh sợ'

Startup robot siêu hot được Jeff Bezos, Nvidia và OpenAI săn đón nồng nhiệt

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/noi-got-nvidia-mot-cong-ty-chip-ai-duoc-ky-vong-se-gia-nhap-cau-lac-bo-von-hoa-nghin-ty-usd-225135.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Nối gót' Nvidia, một công ty chip AI được kỳ vọng sẽ gia nhập 'câu lạc bộ' vốn hóa nghìn tỷ USD
POWERED BY ONECMS & INTECH