Bạo tay chi ra số tiền hàng nghìn tỷ đồng để dành quyền sở hữu “đất vàng” Thủ Thiêm, nhưng “sức khoẻ” của các doanh nghiệp trúng đấu giá khiến nhiều người phải lo ngại.
4 lô “đất vàng” thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa tạo nên một phiên đấu giá không tưởng trong lịch sử bất động sản. Không chỉ thu hút nhiều công ty lớn “so găng”, giá chốt phiên của 4 lô đất cũng gây choáng váng.
Những lô đất với ký hiệu lần lượt là 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 đã mang về tổng cộng 37.346 tỷ đồng (gấp 7 lần khởi điểm) cho ngân sách TP.HCM.
Trong đó, lô đất 3-5, có diện tích 6.446 m2, được Công ty cổ phần Dream Republic đấu giá thành công với mức 3.820 tỷ đồng, gấp 6,6 lần giá khởi điểm.
Lô 3-8 rộng hơn 8.500 m2 cũng được đấu giá thành công bởi Công ty Cổ phần Sheen Mega, với mức 4.000 tỷ đồng, 4 lần so với giá khởi điểm.
Lô đất 3-9 ban đầu có giá khởi điểm hơn 728 tỷ đồng nhưng được đấu lên hơn 5.000 tỷ đồng bởi Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh, gấp gần 7 lần.
Lô 3-12 có biên độ tăng cao nhất, với giá khởi điểm hơn 2.942 tỷ đồng, nhưng giá trúng lên tới 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần, thuộc về Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty con của Tân Hoàng Minh).
Ngoại trừ Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt ít nhiều đã tham gia trên thị trường bất động sản, hiện đang nợ ngập đầu với trái phiếu thì những doanh nghiệp còn lại vừa trúng đấu giá các lô “đất vàng” Thủ Thiêm đều chưa từng xuất hiện, thậm chí mới được thành lập. Đáng chú ý, có 2 doanh nghiệp có tài sản dưới 100 triệu đồng. Mặc dù vậy, những người liên quan đến các doanh nghiệp này là hữu thực.
Cụ thể, Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô 3-5 được thành lập ngày 4/10/2017 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, do ba cổ đông cá nhân góp vốn là Trần Thị Mộng Linh, Đặng Minh Thắng, Trương Ích Quốc với tỷ lệ lần lượt là 40%, 30% và 30%.
Bà Linh, ngoài vai trò đại diện pháp luật tại Dream Republic, còn đại diện cho Công ty TNHH Tú Linh, Công ty TNHH Speed Pro.
Ông Đặng Minh Thắng là người đại diện theo pháp luật của 5 doanh nghiệp, gồm: Công ty Dịch vụ Supreme Performance, Công ty Công nghệ Innoware, Công ty TNHH Đầu tư City Link, Công ty Cổ phần Đầu tư City Field và Công ty TNHH Kết nối Sáng tạo Weedoo.
Dream Republic và Sheen Mega đều đăng ký số vốn vài trăm tỷ đồng nhưng cho tới cuối năm 2020, báo cáo tài chính của cả hai vẫn chưa ghi nhận phần vốn được góp. Tổng tài sản chỉ dừng ở mức vài chục triệu đồng và không phát sinh hoạt động kinh doanh.
So với hai doanh nghiệp trên, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt có "tiếng" hơn. Công ty này chi ra 24.500 tỷ đồng để giành lấy lô đất mang số hiệu 3-12 được giới thiệu là thành viên thuộc Tân Hoàng Minh Group, chủ đầu tư của dự án D'. Capitale Trần Duy Hưng, Hà Nội. Đại diện cho công ty này tham gia phiên đấu giá cũng là ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch của Tân Hoàng Minh.
So về tiềm lực, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt có phần nổi trội nhất trong số bốn doanh nghiệp vừa trúng đấu giá, nhưng quy mô vẫn khiêm tốn nếu so với số tiền phải bỏ ra để đấu giá lô đất 3-12.
Tổng tài sản của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt đến cuối năm 2020 mới dừng ở mức hơn 7.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 800 tỷ.
Ở thời điểm cao nhất là năm 2018, tổng tài sản của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt cũng chỉ hơn 17.300 tỷ đồng, vẫn thấp hơn 30% so với số tiền mà công ty này vừa phát giá.
Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh, doanh nghiệp chi hơn 5.000 tỷ đồng để đấu giá lô đất 3-9 lại có phần kín tiếng hơn cả.
Doanh nghiệp này vừa được thành lập ngày 24/09/2021, đặt trụ sở tại tòa nhà 151, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là bà Thân Thị Liên (sinh năm 1992). Công ty ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đến ngày 3/12/2021 tăng vốn lên 200 tỷ đồng.
Theo quy định, trong 5 ngày làm việc kể từ buổi đấu giá, bốn doanh nghiệp nói trên phải ký hợp đồng mua bán tài sản với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM. Sau thời hạn này, nếu bên trúng đấu giá không thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sẽ bị mất tiền đã nộp để tham gia đấu giá, theo quy định là 20% giá khởi điểm lô đất.
Trong 30 ngày kể từ khi ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải thanh toán 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước. 60 ngày tiếp theo, bên trúng đấu giá phải thanh toán đủ số tiền còn lại. Nếu bên trúng đấu giá chậm thanh toán, sẽ bị phạt chậm nộp theo quy định quản lý thuế.
Trường hợp quá 180 ngày kể từ thời điểm ký thông báo thuế, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá sẽ được xem là vi phạm hợp đồng. Các cơ quan chức năng sẽ báo cáo và trình UBND TP.HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
CII nâng vốn điều lệ lên gần 3.200 tỷ đồng
CII thoái vốn toàn bộ một công ty con giữa giai đoạn tái cấu trúc