Nơi thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang, được mệnh danh là ông 'vua đen' duy nhất trong lịch sử Việt Nam

14-02-2024 09:47|Quỳnh Như

Ông là vị vua đầu tiên liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp chống giặc phương Bắc.

Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan (670-723), quê gốc ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc sinh thời, ông là một hào kiệt, thông minh, tài trí và dũng cảm hơn người.

Trong giai đoạn đất nước loạn lạc, không cam chịu ách đô hộ của giặc xâm lược phương Bắc, ông đã chiêu mộ anh tài và quân 32 châu. Ông cũng liên kết với các nước Đông Nam Á thời bấy giờ như Lâm Ấp (vương quốc từ Quảng Bình đến Quảng Nam), Chân Lạp (Campuchia và một số tỉnh phía Nam Việt Nam ngày nay), Chà Và (Java tức Indonesia ngày nay), Kim Lân (Malaysia ngày nay) chống nhà Đường.

fhve2ob5.png
Vua Mai Hắc Đế. Ảnh minh họa

Sau khi lên ngôi, sử gọi ông là Mai Hắc Đế, tức “vua đen” vì ông có nước da đen. Dưới sự trị vì của Mai Hắc Đế, nước ta đã giành được độc lập, tự chủ trong gần 10 năm (713-722).

Năm 723, sau khi Mai Hắc Đế mất, để tưởng nhớ công ơn của ông cùng các tướng sĩ, nhân dân nhiều nơi, đặc biệt là vùng Sa Nam đã tôn Ngài làm Phúc thần, lập đền thờ, lớn nhất là ngôi đền mang tên Mai Hắc Đế ở thị trấn Nam Đàn ngày nay.

mai-hac-de.jpg
Đền thờ vua Mai Hắc Đế gồm 2 địa điểm: Lăng mộ vua Mai (thuộc khối Hà Long) và đền thờ (thuộc khối Mai Hắc Đế) tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Hai địa điểm này đều nằm ở trung tâm căn cứ địa xưa của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, mà linh hồn của cuộc khởi nghĩa ấy là vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan-Mai Hắc Đế. Ảnh: VnExpress

Trải qua các triều đại phong kiến, Ngài được ban tặng 22 đạo sắc phong. Tuy nhiên, hiện nay, tại đền chỉ còn lưu giữ 13 sắc phong thời Nguyễn. Tên của Ngài còn được đặt cho nhiều con đường lớn và nhiều công trình ý nghĩa như trường học tại nhiều địa phương ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và một số thành phố khác trong cả nước.

Đền thờ vua Mai Hắc Đế được nhân dân lập từ xa xưa và được xây dựng khang trang vào thời Nguyễn. Cho đến nay, đền đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện có các công trình như tam quan, nhà chờ, thượng điện, trung điện, hạ điện...

Quan sát từ ngoài đền vào, du khách sẽ thấy cổng thờ khá đồ sộ, 3 tòa, 6 trụ với lối đi chính rộng rãi. Hai trụ chính cao lớn, trên chóp có tượng kỳ lân, những trụ khác gắn sen búp. Hai bên cổng xây tường có mái giả, bên trái là tượng quan võ đeo kiếm và ngựa hồng, bên phải là tượng quan văn cầm thư cùng ngựa bạch; cùng với hai tượng voi quỳ phủ phục mỗi bên.

Sau khi qua cổng và sân đền là phần điện thờ gồm có thượng điện thờ vua và gia quyến; trung điện thờ tướng sỹ có công; hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng cộng đồng và lưu giữ nhiều cổ vật còn lại như long ngai, bài vị, câu đối...

den-tho-mai-hac-de.jpg
Đền thờ Mai Hắc Đế. Ảnh: VnExpress

Dọc theo đê 42, cách đền khoảng 3km về phía Tây, ngay dưới chân núi Đụn, là khu mộ vua Mai rộng hơn 10.000m2. Đây khi xưa là kho lương thảo, đồng thời là nơi cầm cự cuối cùng của nghĩa quân khi thành Vạn An rơi vào tay giặc. Lưng tựa vào núi, lăng vua Mai hướng nhìn ra dòng sông Lam.

Ngôi mộ được xây theo kiểu “thượng miếu hạ mộ” (miếu ở trên, mộ ở dưới). Tại khu miếu mộ, các công trình được xây dựng một cách đăng đối hài hòa. Sau cổng vào, có tắc môn, lư hương, giếng miếu, 2 nhà chờ và hạ điện.

Hạ điện, thượng điện, tả vu, hữu vu được xây dựng theo hình chữ khẩu. Hạ điện thờ cộng đồng, tả hữu vu thờ đệ Nhất, đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ tứ trụ. Thượng điện thờ vua Mai, thân mẫu vua Mai và Mai Thiếu Đế.

Bên trong các tòa điện rộng 50-70m2, khung dựng bằng gỗ, xung quanh đặt bàn thờ, tượng Mai Hắc Đế và một số hiện vật liên quan cuộc khởi nghĩa Hoan Châu.

cum-di-tich-vua-mai-hac-de-6-1697520880.jpg
Phía sau tòa thượng điện là mộ vua Mai. Hạng mục được xây bằng bê tông, phía trên có mái che, trước mộ đặt nhiều bình hoa

Chếch về phía bắc khoảng 50m, nằm ở trên đỉnh núi Đụn là miếu mộ Mai Thiếu Đế, tên thật là Mai Thúc Huy, con trai út của Mai Hắc Đế. Trong cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, Mai Thúc Huy cũng bị quân Đường bao vây tại núi Đụn, thuộc thung lũng Hùng Sơn, rồi mất tại đây.

Cách thị trấn Nam Đàn gần 10km, cồn Dẻ - một quả đồi thấp được bao quanh bởi đồng ruộng thuộc xã Nam Thái là nơi an táng thi hài mẹ vua Mai. Để lên mộ, người dân cần leo hơn 100 bậc thang. Theo các tài liệu lịch sử, trong một lần lên núi, mẹ Mai Thúc Loan bị thú dữ vồ, vị vua và dân làng đã đưa bà về an táng tại cồn Dẻ...

Tại đền thờ vua Mai Hắc Đế, hàng năm diễn ra nhiều kỳ lễ, nhưng quy mô và long trọng nhất là Lễ hội đền vua Mai, diễn ra trong 3 ngày từ 13-15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Hội tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ đại tế, lễ khai hội và dâng hương tưởng niệm vua Mai, lễ thả đèn hoa đăng và Lễ tạ, cùng nhiều trò chơi dân gian sôi nổi được tổ chức xuyên suốt lễ hội như đấu vật, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đẩy gậy, kéo co...

Quần thể Di tích và Lễ hội vua Mai được tổ chức hàng năm là di sản vô giá khẳng định sự trường tồn của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, thân thế, sự nghiệp của vua Mai trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo, khu miếu mộ vua Mai đã được xây dựng khang trang.

Tháng 2/2023, di tích này đã đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ vua Mai Hắc Đế và khai hội Lễ hội đền vua Mai.

>> Vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam lên ngôi 2 lần, có 4 người con liên tiếp đều lên ngôi vua

Vị vua có cuộc đời thăng trầm nhất lịch sử Việt Nam: Có 3 con rể đều trở thành vua, danh chính ngôn thuận lên ngôi nhờ vào giấc mơ của đại thần

Bánh chưng là món ăn truyền thống trong dịp Tết nhưng chớ ăn theo 4 kiểu sau vì vừa dễ tăng cân lại tổn hại sức khỏe

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/noi-tho-vi-vua-dau-tien-lien-thu-cac-nuoc-dong-nam-a-chong-ngoai-bang-duoc-menh-danh-la-ong-vua-den-duy-nhat-trong-lich-su-viet-nam-d116191.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nơi thờ vị vua đầu tiên liên thủ các nước Đông Nam Á chống ngoại bang, được mệnh danh là ông 'vua đen' duy nhất trong lịch sử Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH