Kết phiên 18/4, cổ phiếu Novaland (NVL) tăng nhẹ 0,34% lên mức 14.850 đồng/cp.
Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (HOSE: NVL) |
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (HOSE: NVL) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2022 với ý kiến chấp nhận toàn phần của Công ty TNHH PwC (Việt Nam).
Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán này đưa ra ý kiến nhấn mạnh về một số nội dung tại báo cáo tài chính của Novaland. Mặc dù không đưa ra ý kiến ngoại trừ, PwC nhấn mạnh “sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn Novaland”.
Cụ thể, kiểm toán PwC lưu ý người đọc đến Thuyết minh 2.2 của báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp đến tình hình hoạt động kinh doanh của Novaland. Tập đoàn đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu.
Giả định về hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng tập đoàn có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh bình thường của tập đoàn trong tương lai gần, bao gồm:
Nguồn: NVL |
(1) Giải phóng tiền gửi đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng: Tính đến ngày 31/12/2022, Novaland có 5.537 tỷ đồng đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng cho vay theo mục đích sử dụng cho từng dự án. Doanh nghiệp đang đàm phán với các ngân hàng đề giải phóng số tiền đang bị giới hạn sử dụng không đúng theo hợp đồng tín dụng.
Tính đến ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, Novaland đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng về việc giải chấp số tiền 2.498 tỷ đồng. Số tiền còn lại đang trong quá trình thảo luận và Ban Tổng Giám đốc tin rằng Novaland sẽ đạt được thỏa thuận với các ngân hàng còn lại.
(2) Phát hành cổ phiếu để tăng vốn: Novaland đang lấy ý kiến cổ đông chấp thuận cho kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay. Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ phát hành 1,95 tỷ cổ phiếu NVL cho cổ đông hiện hữu với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Dự kiến số tiền thu được từ phát hành mới khoảng 19.500 tỷ đồng sẽ được dùng để tái cơ cấu nợ, thanh toán chi phi lương và đầu tư vào dự án của Novaland.
Ngoài ra, doanh nghiệp có kế hoạch phát hành 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 9.750 tỷ đồng.
(3) Tái cấu trúc khoản nợ vay và nợ trái phiếu: Tại ngày 31/12/2022, Novaland có tổng dư nợ vay và nợ trái phiếu 64.869 tỷ đồng. Cho đến ngày phê chuẩn báo cáo tài chính hợp nhất này, Novaland đã thanh toán được 1.985 tỷ đồng trên dư nợ gốc.
Doanh nghiệp đang tiến hành đàm phán với các chủ nợ đối với số dư còn lại để tiến hành gia hạn hoặc sẽ thanh toán một phần bằng cách thanh lý một số tài sản thuộc sở hữu của các bên liên quan.
Novaland thông tin, một số chủ nợ đã đồng ý việc gia hạn thời gian đáo hạn các khoản nợ hoặc nhận thanh toán bằng tài sản khác theo tinh thần của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (ngày 5/3/2023).
Cụ thể, Dallas Vietnam Gamma Limited nhận hoán đổi nợ vay bằng một phần vốn góp hoặc cổ phần tại hai công ty con của Novaland.
Lô trái phiếu NVLH2124002 có giá trị 250 tỷ đồng đã đạt thỏa thuận gia hạn thời gian đáo hạn thêm 1 năm đến ngày 26/4/2025.
Lô trái phiếu NVLH2224006 trị giá 1.500 tỷ đồng đã đạt thỏa thuận gia hạn thời gian đáo hạn thêm 2 năm đến ngày 15/3/2026.
Lô trái phiếu NVLH2123010 với số dư còn lại 864 tỷ đồng đã đạt thỏa thuận gia hạn thời gian đáo hạn thêm 3 tháng đến ngày 19/6/2023. Novaland đang làm các thủ tục cần thiết để xin gia hạn thêm 21 tháng.
Tại ngày phê duyệt báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán, Novaland đang đàm phán với các chủ nợ còn lại của các khoản nợ có thời gian đáo hạn trong 12 tháng tới. Ban Tổng Giám đốc tin tưởng rằng tập đoàn sẽ đạt được các thỏa thuận tương tự với các chủ nợ còn lại.
(4) Tái cấu trúc doanh nghiệp: Novaland đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện, với sự tư vấn của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, nhằm giúp tập đoàn cải thiện sức khỏe tài chính và tập trung hơn vào mảng kinh doanh cốt lõi.
Kết quả của việc tái cấu trúc doanh nghiệp được Ban Tổng Giám đốc kỳ vọng sẽ giảm các tài sản sinh lợi thấp để tập trung nguồn lực phát triển và kinh doanh các dự án bất động sản mà tập đoàn có lợi thế kinh doanh.
(5) Các biện pháp cụ thể của Chính phủ nhằm hỗ trợ phục hồi thị trường bắt động sản: Chính phủ đã ban hành các chính sách cụ thể để hỗ trợ thị trường bất động sản vượt qua khó khăn và phục hồi, bao gồm Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/NQ-CP,…
(6) Hỗ trợ tài chính từ cổ đông lớn: Novaland nhận được sự cam kết hỗ trợ tài chính từ CTCP Nova Group (cổ đông lớn của Novaland), giúp Novaland và các công ty con thanh toán các khoản nợ đến hạn khi cần thiết trong hoạt động kinh doanh để duy trì hoạt động liên tục ít nhất trong 12 tháng tiếp theo.
Ban Tổng Giám đốc Novaland tin rằng tập đoàn sẽ có đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn trong 12 tháng tới kể từ ngày phát hành báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán.
Novaland (NVL): Hơn 800 kỹ sư, công nhân gấp rút hoàn thiện phân khu tại siêu dự án quy mô 1.000ha
Hơn 1.000 căn hộ 2 dự án ‘đắc địa’ của Novaland tại TP. HCM đón tin vui