Trước đó, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đề nghị hội đồng xét xử giải tỏa kê biên căn biệt thự cổ số 110-112 đường Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM).
Theo báo Tuổi Trẻ, đến nay, Tòa án nhân dân TP. HCM đã tống đạt bản án hình sự sơ thẩm đến 86 bị cáo, đương sự, các cơ quan liên quan… trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Theo đó, ngoài việc nhận định chi tiết về hành vi phạm tội và trách nhiệm hình sự của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án, hội đồng xét xử còn phán quyết về phần dân sự liên quan.
Trong đó, tại phiên tòa, bà Trương Mỹ Lan đề nghị hội đồng xét xử giải tỏa kê biên căn biệt thự cổ số 110-112 đường Võ Văn Tần (quận 3, TP. HCM).
Biệt thự cổ bà Trương Mỹ Lan xin giải toả kê biên |
Theo bà Lan, biệt thự cổ này thuộc sở hữu của Công ty Minerva nhưng thực ra do mẹ bà mua với giá 700 tỷ đồng. Bà Lan giải thích biệt thự cổ là di tích không thể mua bán nên đề nghị không kê biên, mà giao lại cho gia đình để bảo tồn.
Về đề nghị trên của bà Lan, án sơ thẩm nêu biệt thự cổ 110-112 đường Võ Văn Tần đang thuộc sở hữu của Công ty Minerva (chưa thu giữ được sổ đỏ), hiện bà Chu Duyệt Phấn (con gái bà Trương Mỹ Lan) có đơn đề nghị xem xét hủy bỏ biện pháp kê biên và cho rằng tiền mua do các cổ đông của Công ty Minerva góp.
Hội đồng xét xử xét thấy các cổ đông của Công ty Minerva thực chất đều là con cháu của bà Trương Mỹ Lan. Cụ thể, cổ đông của Công ty Minerva gồm: Tập đoàn Horizon (do bà Chu Duyệt Phấn đại diện) chiếm 48% vốn điều lệ; Công ty TNHH Luminance (do ông Trương Lập Hưng là cháu bà Trương Mỹ Lan đại diện) chiếm 26% vốn điều lệ; Công ty TNHH Radiance (do vợ của ông Trương Lập Hưng đại diện) chiếm 26% vốn điều lệ.
Hội đồng xét xử xác định đây thực chất là tài sản của bà Trương Mỹ Lan, nên cần tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bà Lan trong toàn bộ vụ án (tài sản này UBND TP. HCM chỉ cho trùng tu, không được thay đổi hiện trạng).