Tỉnh này ước tính chứa khoảng 4.500 tấn vàng trong tổng số 63.000 tấn vàng chưa khai thác của thế giới.
Không giống nhiều kim loại khác, ví dụ như kim cương, người ta chưa thể tạo ra vàng bằng biện pháp nhân tạo. Đó là một trong những lý do khiến vàng có giá trị lớn. Các nhà khoa học đã tìm ra một số cách chế tạo vàng, nhưng chúng không hiệu quả về mặt chi phí để ứng dụng thực tế. Vì vậy, gần như toàn bộ vàng trên thị trường đều bắt nguồn từ hoạt động khai thác hoặc tái chế.
Không phải mọi nơi trên trái đất đều có trữ lượng vàng như nhau. Một thị trấn có thể gần như không có vàng, trong khi vùng đất lân cận lại sở hữu trữ lượng khổng lồ. Một trong số ít giả thuyết là trữ lượng vàng thường được tìm thấy gần các vành đai động đất, vì các hoạt động núi lửa và magma có thể tập trung vàng ở những khu vực cụ thể.
Giữa tháng 3/2023, CGTN Digital cho biết, một trữ lượng vàng khổng lồ được phát hiện ở tỉnh Sơn Đông thuộc miền đông Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của truyền thông thế giới. Đó là mỏ vàng có trữ lượng khoảng 50 tấn, ước tính có giá 3 tỷ USD theo giá hiện tại. Mỏ vàng Xilaokou được phát hiện nằm ở khu vực nông thôn của thành phố Nhũ Sơn, phía đông của tỉnh.
Xilaokou trở thành mỏ vàng lớn nhất được biết tới trong khu vực, đủ để khai thác trong vòng 20 năm. Theo cục tài nguyên địa phương, mỏ chứa quặng vàng chất lượng cao, có thể dễ dàng khai thác và tinh chế.
Sơn Đông của Trung Quốc là tỉnh nằm trên tuyến đường của các vành đai động đất lớn nhất thế giới. Đây là vành đai địa chấn vòng quanh Thái Bình Dương hay còn gọi là "Vành đai lửa".
Trong suốt 4 thập kỷ qua, đây là tỉnh giàu tài nguyên hơn bất cứ tỉnh nào khác ở Trung Quốc. Tính đến năm 2021, tỉnh này ước tính chứa khoảng 4.500 tấn vàng trong tổng số 63.000 tấn vàng chưa khai thác của thế giới. Bởi vậy, mỏ vàng Xilaokou mới phát hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng trữ lượng vàng tiềm năng của tỉnh.
Nhưng điều đó là không đủ để giải thích trữ lượng vàng lớn của tỉnh, đặc biệt là ở phía đông bán đảo Giao Đông, khi Vành đai lửa trải dài dọc theo vành đai của toàn bộ Thái Bình Dương.
Ngoài nổi tiếng là nơi giàu tài nguyên, Thành cổ Khúc Phụ - quê hương của Khổng Tử, người sáng lập Nho giáo, cũng thuộc tỉnh Sơn Đông. Nơi này là thành phố văn hóa lịch sử cấp quốc gia được phê chuẩn đầu tiên của Trung Quốc. Chính quyền đã kiến tạo thành cổ này trở thành một thành phố văn hóa lịch sử mang tầm cỡ quốc tế.
Trong thành phố, không có ngôi nhà cao tầng nào vì theo luật lệ, không có một tòa nhà nào được phép xây cao hơn điện Đại Thành, điện chính của đền thờ Khổng Tử, còn gọi là Khổng miếu. Đây là cách người dân thể hiện sự tôn kính với nhà triết học vĩ đại này.
Khu lăng mộ Khổng Tử được đặt ở phía bắc thành phố và cũng là một trong những lăng mộ lớn nhất thế giới. Ban đầu khi mới xây dựng, nó không quá hoành tráng nhưng sau này do sự phát triển rộng rãi của đạo Khổng, lăng mộ được tái thiết nhiều lần và lớn dần lên cùng với thời gian. Với tầm vóc văn hóa lớn, Khúc Phụ đã được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới.