Nữ Tiến sĩ Việt duy nhất 3 lần xuất hiện trong top nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới: Kinh qua VinFuture, RMIT cả Fulbright Việt Nam
Đây là nữ Tiến sĩ hiếm hoi chỉ mất 2 năm để hoàn thành chương trình tiến sĩ, điều chưa từng có tiền lệ tại ngôi trường mà cô theo học.
Lê Thái Hà là nữ Tiến sĩ Việt 3 năm liên tiếp lọt top nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Mới đây, Nhà xuất bản Elsevier đã công bố danh sách "100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng" năm 2023, hay Top 2% các nhà khoa học toàn cầu, trong tất cả các lĩnh vực. Đây là bảng xếp hạng do nhóm khoa học của GS John P.A. Ioannidis cùng các cộng sự thuộc Đại học Stanford (Mỹ) lựa chọn, dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus và được Nhà xuất bản Elsevier công bố.
Theo đó, trong bảng xếp hạng 100.000 người có tầm ảnh hưởng dựa trên trích dẫn khoa học nhiều nhất năm 2023, tiếp tục có sự xuất hiện của nữ Tiến sĩ người Việt - Tiến sĩ Lê Thái Hà. Tính cả năm 2023, Tiến sĩ Lê Thái Hà đã có 3 năm liên tiếp 2021, 2022, 2023, xuất hiện trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất này.
Lê Thái Hà sinh năm 1988 tại Hà Nội. Năm 2006, khi Thái Hà 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cô đi du học Singapore với học bổng của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU). Thái Hà hoàn thành chương trình đại học, tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore trong 3 năm rưỡi và đồng thời lọt top 5% sinh viên xuất sắc của trường. Sau đó, Thái Hà tiếp tục hoàn thành chương trình Tiến sĩ của Đại học Công nghệ Nanyang với kết quả điểm học các bộ môn coursework cao nhất khóa (4.92/5.0).
Không chỉ có thành tích học tập nổi trội mà loạt thành tựu về nghiên cứu khoa học xuất sắc của cô cũng khiến nhiều người không khỏi trầm trồ. Tiến sĩ Lê Thái Hà đã công bố khoảng 80 nghiên cứu, bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín như Energy Economics, Energy Policy, Energy Journal, International Review of Financial Analysis… Đây đều là những tạp chí hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế năng lượng, môi trường và kinh tế ứng dụng. Nữ Tiến sĩ từng chia sẻ với báo giới rằng: "Tôi cảm thấy bản thân được sinh ra để làm nghiên cứu. Tôi làm mà không thấy chán. Cũng có lúc mệt mỏi nhưng khi bài nghiên cứu được chấp nhận, cảm giác rất sung sướng, không còn nghĩ gì đến khó khăn trước đó nữa".
Ảnh: Internet
Tiến sĩ Lê Thái Hà cũng là đồng chủ biên của bốn xuất bản sách độc lập, và tham gia hơn 10 công trình sách với tư cách là (đồng) tác giả của các chương do các nhà xuất bản uy tín trong giới nghiên cứu học thuật ấn hành như Elsevier Science, Routledge (London – Anh), Springer, Asian Development Bank Institute (ADBI-Japan) và World Scientific Publishing.
Nữ Tiến sĩ cũng chính là người sáng lập và Tổng Biên tập của Tạp chí khoa học Fulbright Review of Economics and Policy, đồng thời cũng đảm nhiệm vai trò biên tập cho một số tạp chí học thuật quốc tế uy tín khác như Journal of Economic Asymmetries (Elsevier), Journal of Economic Development (được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu Quốc gia của Hàn Quốc), Singapore Economic Review (một trong những tạp chí kinh tế lâu đời và uy tín nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) và “Springer New Monograph Series, New Frontiers in Regional Science: Asian Perspectives” (Springer Nature).
Những năm gần đây, Tiến sĩ Lê Thái Hà đã công bố nhiều nghiên cứu chính sách được sử dụng để đăng trên Báo cáo toàn diện thường niên Triển vọng Phát triển Châu Á (Asian Development Outlook – ADO) của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS – Mỹ). Ngoài ra, cô còn là nhà phê bình độc lập cho chương trình Khoa học Xã hội và Nhân văn Vici thuộc Chương trình Tài năng NWO, Hội đồng Nghiên cứu Hà Lan (NWO).
Ảnh: Internet
Hiện tại Tiến sĩ Lê Thái Hà đang là Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture và trong Ban điều hành Quỹ Vì tương lai xanh. Trước khi gia nhập Quỹ VinFuture vào tháng 4/2022, Lê Thái Hà đã có gần 3 năm đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên Cao cấp tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam và 7 năm làm Giảng viên Cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam.