Ông Hoàng Nam Tiến: Đại học không phải là cấp 4, bạn có học hay không là trách nhiệm của bạn, không phải trách nhiệm của thầy cô
Trong video TikTok mới nhất của mình, ông Tiến đã kể về việc trượt đại học để chia sẻ bài học quan trọng đầu tiên cho hành trang của mỗi sinh viên.
Ông Hoàng Nam Tiến, sinh năm 1969, là một trong những lãnh đạo kỳ cựu của Tập đoàn FPT. Ông gia nhập FPT năm 1993 và đã có 30 năm gắn bó với tập đoàn, giữ nhiều vị trí quan trọng. Từ năm 2012 đến 2020, ông là Chủ tịch FPT Software và sau đó chuyển sang giữ vị trí Chủ tịch FPT Telecom từ tháng 3/2020, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, đạt được những kết quả tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Dưới sự lãnh đạo của ông, FPT Telecom đã ra mắt nhiều sản phẩm chiến lược như FPT Camera, ví điện tử Foxpay và đặc biệt là phát triển mảng truyền hình OTT với FPT Play.
Hiện nay, ông Tiến là Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, tập trung vào hoạt động đào tạo sau đại học, đồng thời đóng góp tích cực vào công tác hướng nghiệp cho sinh viên.
Ngoài vai trò lãnh đạo, ông còn được biết đến với kênh Tik Tok cá nhân, nơi ông chia sẻ những bài học về quản trị, phát triển bản thân và hướng nghiệp, thu hút sự quan tâm của giới trẻ nhờ phong cách chia sẻ chân thật và gần gũi
Trong video mới nhất trên kênh TikTok của mình, ông Tiến đã chia sẻ về điều đầu tiên trong hành trang mà mỗi một bạn sinh viên, gen Z và các bạn trẻ nói chung cần biết, nhân dịp ngày khai giảng toàn quốc 5/9.
“Vào năm 18 tuổi, tôi có hai câu chuyện. Có một chuyện rất tệ! Mặc dù là lớp trưởng lớp chuyên Toán của Trường Hà Nội Amsterdam nhưng tôi đã thi trượt đại học.
Nhưng cũng vì thế, tôi có cơ hội lớn để thực hiện được ước mơ của mình, đó là trở thành phi công”, ông Tiến dẫn dắt với câu chuyện trượt đại học năm 18 tuổi và lời chỉ dẫn của ba mình. “Ba tôi là một vị chiến tướng, đã nói một câu rất đơn giản: ‘Con muốn trở thành phi công cũng được, nhưng phải thi đỗ đại học đã. Ngã ở đâu, đứng lên ở đó'".
Ông Tiến hài hước kể tiếp: “Và thật sự rất đáng tiếc! Năm sau tôi thi đỗ đại học Trường Đại học Bách Khoa với điểm rất cao. Còn với ước mơ đang dang dở của tôi, mãi tới năm 38 tuổi, khi chưa quá già, vẫn còn chút sức khỏe và có thêm ít tiền, tôi đã thực hiện được ước mơ biết bay của mình.
Vì vậy, điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ, đó là chúng ta phải đi thì mới biết mình có đến được hay không. Và việc cần làm trước tiên là gì? Chúng ta phải tắt điện thoại đi, ra khỏi giường và bắt đầu hành động!”
Ông Tiến cũng từng nhiều lần chia sẻ về hành trang mà các bạn sinh viên cần mang theo khi bước vào cánh cửa đại học. Trong talkshow Schoo'Life Talk, Khi được đặt câu hỏi: "Với các bạn chuẩn bị bước vào cánh cửa Đại học, trở thành sinh viên thì đâu là điểm đang chờ đợi?", ông Hoàng Nam Tiến đã trả lời hóm hỉnh: "Đại học không phải là cấp 4. Ngày xưa, chúng tôi gọi THPT là cấp 3 và Đại học không phải cấp 4. Vào Đại học, bạn có học hay không là trách nhiệm của bạn, không phải trách nhiệm của thầy cô. Tại môi trường mới, lượng kiến thức do giảng viên truyền đạt là rất ít".
Vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trường khuyến nghị sinh viên nên học song ngữ, tức là ngoài tiếng Anh, các em nên bổ sung thêm các ngôn ngữ như tiếng Hàn, tiếng Nhật, hoặc tiếng Trung. Ông đặc biệt nhấn mạnh, sinh viên các ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh nên nắm vững không chỉ ngôn ngữ mà còn cần khám phá sâu về văn hóa, nghệ thuật để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc. Đối với các ngành như Kinh doanh hay Quản trị, ông khuyên sinh viên nên chú trọng rèn luyện khả năng thực tế, tính thực tiễn và khả năng "thực chiến" để có lợi thế khi ra trường và tạo được sự khác biệt.
Ông Tiến chia sẻ rằng, ngày nay, trường học không chỉ là nơi học tập kiến thức mà còn là một môi trường để sinh viên có cơ hội trải nghiệm, thử sức với nhiều hoạt động khác nhau. Ông khuyến khích sinh viên tận dụng thời gian 4 năm Đại học để dám thử thách bản thân, thậm chí thực hiện những việc có phần "ngông cuồng" hay khác biệt, vì đó là cách tốt nhất để tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành.