Doanh nghiệp A-Z

Ông lớn ngành tôm Việt Nam đón tin vui ngay trước giờ đàm phán thuế quan với Mỹ

Ánh Nguyệt 07/05/2025 - 10:37

Nhà xuất khẩu tôm Việt Nam đã tận dụng cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trong 90 ngày hoãn thuế.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 4/2025 với sản xuất tôm thành phẩm 2.364 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm ghi nhận 1.961 tấn, tăng 37 %.

Theo đó, doanh số chung đạt 23,83 triệu USD, tăng 46% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu các đơn hàng sang Mỹ trong thời gian được hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày.

Ông lớn ngành tôm Việt Nam đón tin vui ngay trước giờ đàm phán thuế quan với Mỹ
Thực phẩm Sao Ta (FMC) chớp thời cơ trong 90 ngày Mỹ hoãn thuế

Hôm nay (ngày 7/5), Việt Nam chính thức bắt đầu đàm phán thương mại song phương với Mỹ. Theo đó, Chính phủ đang theo sát tình hình, chỉ đạo Đoàn đàm phán và các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án làm việc với phía Mỹ theo tinh thần “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”.

Liên quan đến vấn đề thuế quan, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào trung tuần tháng 4/2025, ban lãnh đạo FMC cho biết phía đối tác Mỹ hiện chưa đưa ra quyết định cụ thể, nên các đối tác cũng đang trong trạng thái chờ đợi. Doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục giao hàng theo các hợp đồng đã ký, dự kiến trong 30 - 45 ngày tới.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu Mỹ chính thức áp thuế 46% với toàn bộ sản phẩm từ Việt Nam, ban lãnh đạo công ty nhận định khả năng cạnh tranh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với thủy sản, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, (Việt Nam bị áp thuế 46% còn các nước khác chỉ bị khoảng 20%), "khả năng cao là chúng tôi phải rút khỏi thị trường Mỹ".

Tuy nhiên, nếu mức thuế thấp hơn (khoảng 23%) và không chênh lệch quá lớn so với các đối thủ như Ấn Độ, Việt Nam vẫn có cơ hội giữ thị phần.

Lãnh đạo FMC phân tích, xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 800 triệu USD trong tổng giá trị hơn 130 tỷ USD hàng hóa Việt Nam bán sang thị trường này - tức là chiếm tỷ trọng rất nhỏ. FMC cũng chỉ chiếm khoảng 8% thị phần tôm vào Mỹ, so với mức hơn 35% của Ấn Độ. Do vậy, nếu mức thuế được áp dụng rộng rãi cho cả các nước khác, thì không riêng Việt Nam mà các đối thủ khác sẽ cùng chịu tác động.

“Việc mở rộng thị trường không phải bây giờ mới làm, mà đã thực hiện từ nhiều năm trước. Chúng tôi không quá lo nếu phải rút khỏi thị trường Mỹ, vì đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các thị trường thay thế. Thời gian để tiếp cận thị trường mới không quá lâu - thậm chí chỉ trong năm nay đã có thể triển khai được. Chi phí thì phụ thuộc vào mối quan hệ với khách hàng.

Chúng tôi có lợi thế là đã quen biết nhiều đối tác từ trước. Họ tin tưởng mình và sẵn sàng mở rộng nhập khẩu nếu mình chủ động cung ứng. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi hỗ trợ giá để mở đầu, rồi cùng nhau phát triển lâu dài. Như vậy, chi phí tiếp cận thị trường mới là có, nhưng không đến mức quá lớn hay không kiểm soát được”, Chủ tịch HĐQT FMC cho hay.

>> Mỹ, Trung Quốc tiếp tục săn đón mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam, ông lớn đầu ngành báo lãi lớn

Chính sách thuế mới của Mỹ bắt đầu gây áp lực lên sản xuất Việt Nam trong tháng 4, Chính phủ tăng tốc ứng phó

Ngày mai (7/5), Việt Nam đàm phán thuế quan với Mỹ, Thủ tướng vừa có chỉ đạo mới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ong-lon-nganh-tom-viet-nam-don-tin-vui-ngay-truoc-gio-dam-phan-thue-quan-voi-my-288892.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ông lớn ngành tôm Việt Nam đón tin vui ngay trước giờ đàm phán thuế quan với Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH