Việt Nam có thêm lợi thế quan trọng ngay trước giờ đàm phán thương mại với Mỹ
Việc minh bạch xuất xứ hàng hóa sẽ giúp Việt Nam gỡ bỏ rào cản thương mại, đồng thời mở ra cơ hội mới trong đàm phán thỏa thuận song phương với Mỹ.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 5/5/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông tin về tiến trình đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm 6 quốc gia được Mỹ ưu tiên đàm phán (gồm Vương quốc Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia), trong số hơn 100 nền kinh tế.
Chính phủ đang theo sát tình hình và chỉ đạo Đoàn đàm phán cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án, sẵn sàng làm việc với phía Mỹ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 7/5.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu theo dõi sát diễn biến trong và ngoài nước, chủ động dự báo tình hình để có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang điều chỉnh chính sách thuế quan.
Đáng chú ý, theo TTXVN, từ ngày 5/5, Bộ Công Thương sẽ là đầu mối duy nhất thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), đồng thời đẩy mạnh số hóa thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và ngăn chặn gian lận xuất xứ.
Cụ thể, thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1103/QĐ-BCT ngày 21/4/2025. Theo đó, Bộ Công Thương thu hồi quyền cấp C/O, cấp Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM), cũng như quyền tiếp nhận đăng ký mã số chứng nhận xuất xứ theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Na Uy và Thụy Sĩ đã giao trước đây cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Kể từ ngày 5/5, toàn bộ hoạt động cấp C/O không ưu đãi, CNM và đăng ký mã số REX sẽ do các cơ quan cấp C/O thuộc Bộ Công Thương đảm nhiệm. Như vậy, doanh nghiệp có thể đề nghị cấp cả C/O ưu đãi (theo các Hiệp định Thương mại tự do) và không ưu đãi tại cùng một đầu mối, đảm bảo tính nhất quán trong quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa.
Riêng với các loại C/O không ưu đãi (như mẫu B), Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thiết lập ngay các công việc cần thiết để triển khai số hóa trên Hệ thống eCoSys. Việc này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí đi lại và tiến tới cấp C/O hoàn toàn điện tử.
Việc triển khai cấp C/O điện tử được thực hiện theo Thông báo số 619/TB-XNK ngày 28/4/2025 của Cục Xuất nhập khẩu. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, hiện đại hóa quy trình quản lý, đồng thời góp phần ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bền vững ở mức hai con số.
![]() |
Bộ Công Thương có động thái tháo gỡ nút thắt về xuất xứ hàng hóa (Ảnh: TTXVN) |
Trước đó, tại tọa đàm “Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước” tổ chức cuối tháng 4, bà Nguyễn Việt Hà - đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), tổ chức đại diện cho cộng đồng hơn 550 doanh nghiệp và 2.500 cá nhân thành viên đã nêu rõ quan điểm về vấn đề xuất xứ hàng hóa.
Theo bà Hà, xuất xứ hàng hóa là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong cuộc đàm phán thương mại giữa hai quốc gia. Do đó, đại diện AmCham đề nghị Chính phủ Việt Nam cần làm rõ hơn các nội dung liên quan đến vấn đề này, tăng cường minh bạch về thành phần, nguồn gốc sản phẩm, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu nhằm giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Thủ tướng: Việt Nam sẽ tiến hành vòng đàm phán đầu tiên với Mỹ vào ngày 7/5
Tài sản ông Phạm Nhật Vượng chạm mốc 8,5 tỷ USD, mới tài trợ thêm 5.000 tỷ đồng cho VinFast