Ông Trump muốn Mỹ tiếp quản dải Gaza, kêu gọi người Palestine di dời vĩnh viễn
Đề xuất của Tổng thống Mỹ ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ thế giới Ả Rập và có thể làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Washington sẽ "tiếp quản" Dải Gaza và kêu gọi người Palestine rời khỏi vùng đất này vĩnh viễn. Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng vào ngày 4/2, ông Trump khẳng định toàn bộ 2,2 triệu cư dân Gaza nên "được tái định cư" tại các quốc gia như Ai Cập và Jordan.
"Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm dọn dẹp bom mìn chưa nổ cùng các vũ khí nguy hiểm tại đây," ông Trump nói. Khi được hỏi liệu Mỹ có triển khai quân đội đến Gaza hay không, ông tuyên bố: "Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết, phát triển vùng đất này, tạo ra hàng nghìn việc làm, điều mà Trung Đông có thể tự hào."
Đề xuất này đánh dấu sự đảo ngược chính sách đối với Gaza kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ và ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ thế giới Ả Rập. Ai Cập và Jordan đã bác bỏ kế hoạch tái định cư này sau khi ông Trump tuyên bố vào tháng trước rằng đã đến lúc "dọn sạch" Dải Gaza.
Trước thông tin này, các nước Ả Rập coi kế hoạch của Tổng thống Mỹ tương tự sự kiện năm 1948, khi hàng trăm nghìn người Palestine bị ép buộc di dời, phải rời bỏ nhà cửa sau khi Israel được thành lập – sự kiện mà người Palestine gọi là "Nakba" (Thảm họa). Việc cưỡng bức di dời người Palestine cũng có thể làm dấy lên lo ngại từ các đồng minh phương Tây của Mỹ, những nước từ lâu đã ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel - Palestine.
Bất chấp phản ứng dữ dội, ông Trump tiếp tục khẳng định rằng Gaza chỉ là một "chiến trường hủy diệt" và bày tỏ hy vọng Ai Cập và Jordan – hai quốc gia nhận viện trợ lớn từ Mỹ – sẽ chấp nhận kế hoạch tái định cư. Vua Abdullah của Jordan dự kiến gặp ông Trump tại Washington vào tuần tới để thảo luận về đề xuất này.
Từ sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023, Israel đã tiến hành các đợt không kích, pháo kích và tấn công trên bộ vào Gaza, khiến phần lớn vùng lãnh thổ này rơi vào cảnh đổ nát.
Các cường quốc Ả Rập và châu Âu kỳ vọng lệnh ngừng bắn tạm thời và thỏa thuận trao đổi con tin giữa Israel và nhóm vũ trang Palestine sẽ mở đường cho một giải pháp hòa bình lâu dài, tạo điều kiện tái thiết Dải Gaza.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc tái định cư người Palestine tại các khu vực khác sẽ là giải pháp tốt hơn. "Nếu chúng ta có thể tìm được một khu đất phù hợp, hoặc nhiều khu đất, và xây dựng những nơi thực sự hiện đại với sự đầu tư lớn... Tôi nghĩ điều đó sẽ tốt hơn nhiều so với việc quay trở lại Gaza, nơi đã trải qua nhiều thập kỷ chết chóc," ông nói.
Ngay trước cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người coi chương trình hạt nhân của Tehran là mối đe dọa hiện hữu đối với Israel, ông Trump đã ký một bản ghi nhớ yêu cầu chính phủ Mỹ áp dụng chính sách "áp lực tối đa" lên Iran.
Các quan chức Mỹ mô tả động thái này như một biện pháp nhằm buộc Tehran trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân. Dù không công bố cụ thể các biện pháp trừng phạt mới, ông Trump nhấn mạnh mục tiêu của Washington là ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. "Iran không thể có vũ khí hạt nhân, đơn giản là vậy," ông nói.
Trong khuôn khổ chính sách này, ông Trump tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu dầu của Iran, cho rằng Mỹ có "quyền" ngăn chặn hoạt động bán dầu thô của nước này ra nước ngoài. Ngay sau thông báo, giá dầu Brent giao dịch ở mức khoảng 76 USD/thùng, tăng so với mức 74,15 USD/thùng trước đó.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian trong những tuần qua đã thể hiện thiện chí đàm phán để giảm bớt áp lực trừng phạt và ổn định nền kinh tế. Chính phủ Iran cũng tuyên bố muốn tránh đối đầu quân sự với Mỹ và Israel.
Ông Trump từng áp dụng chiến dịch “gây sức ép tối đa” lên Iran trong nhiệm kỳ đầu, sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Các lệnh trừng phạt Mỹ khi đó khiến Tehran tăng cường làm giàu uranium, nâng mức độ gần đạt cấp vũ khí.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, các biện pháp trừng phạt vẫn được duy trì nhưng không được thực thi nghiêm ngặt, trong bối cảnh Washington muốn khôi phục thỏa thuận hạt nhân và giảm căng thẳng.
Về phía Israel, Thủ tướng Netanyahu khẳng định chính phủ của ông sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên Iran sau hơn một năm giao tranh giữa Israel và các nhóm vũ trang do Tehran hậu thuẫn. Trong năm qua, Israel và Iran đã hai lần nã tên lửa trực tiếp vào nhau, đánh dấu sự leo thang trong xung đột kéo dài.
Ông Netanyahu tuyên bố các cuộc không kích của Israel đã làm suy yếu đáng kể hệ thống phòng không của Iran, đồng thời giáng đòn mạnh vào Hezbollah – lực lượng ủy nhiệm quan trọng nhất của Tehran tại Lebanon. Các nhà phân tích nhận định Iran hiện ở vào thế dễ tổn thương nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo giới quan sát, ông Netanyahu từ lâu đã cam kết ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân và có thể tìm kiếm sự ủng hộ từ Mỹ để tiến hành thêm các cuộc tấn công vào nước này.
Theo CNBC, Financial Times
>> Những ranh giới mong manh trong thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Lebanon
48 giờ hỗn loạn sau màn ‘quay xe’ phút chót của ông Trump
Chưa từng có trong lịch sử: Một quốc gia đề xuất cho Mỹ thuê nhà tù để giam giữ tội phạm nguy hiểm