Phấn đấu đến năm 2025, vùng Đông Nam Bộ có trên 400 km đường cao tốc

18-07-2023 16:49|Anh Thơ

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết điều này khi phát biểu tham luận tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng 18/7 tại TPHCM.

Phấn đấu đến 2025, vùng Đông Nam Bộ sẽ có trên 400 km đường cao tốc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tham luận tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò là trung tâm lớn về du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics…

Vùng có tỉ lệ và tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân cư lớn nên cũng đặt ra những thách thức trong quá trình quản lý, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và đã đạt được những kết quả nhất định.

Trong đó, về đường bộ cao tốc, đã đưa vào khai thác 103 km, đang thi công 178 km và chuẩn bị khởi công 126 km; phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400 km đường cao tốc đưa vào khai thác.

Về đường sắt, đang triển khai nâng cấp, cải tạo đường sắt Thống Nhất đoạn Nha Trang - TPHCM; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương; nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TPHCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành…

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GTVT cho rằng, đây mới là những kết quả bước đầu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cấp vùng, liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ; các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM chưa hoàn chỉnh; tiến trình xây dựng đường sắt đô thị tại TPHCM còn chậm nên chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô...

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ nhanh, bền vững, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế vùng và từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Bộ GTVT đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Cụ thể, Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ đã được quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải.

Đồng thời, xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 của vùng. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng, Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước với mục tiêu "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển vùng, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TPHCM đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 98.

Mặt khác, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện, trong đó phát huy tối đa vai trò của Hội đồng Điều phối vùng để giải quyết các vấn đề liên vùng, vấn đề có tính chất liên ngành tại vùng. Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng chủ động giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Phấn đấu đến 2025, vùng Đông Nam Bộ sẽ có trên 400 km đường cao tốc - Ảnh 2.

TS. Trần Du Lịch đề nghị áp dụng mô hình TOD sang các địa phương khác - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Áp dụng mô hình TOD sang các địa phương khác

Đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển hạ tầng giao thông cho vùng, TS. Trần Du Lịch cho hay Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TPHCM đã cho phép áp dụng một mô hình mới, đó là TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng). Vị chuyên gia này đề nghị áp dụng mô hình này với các địa phương trong vùng, không cần nghiên cứu thêm nữa. Nếu làm tốt mô hình TOD thì quỹ đất đô thị hóa là "con gà đẻ trứng vàng" cho ngân sách. Đối với mô hình này, từ quỹ đất đô thị hóa có thể phát triển hệ thống giao thông.

Mở rộng hơn, ông Trần Du Lịch cho rằng trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ có nêu vấn đề mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng. Các cơ chế này đã có trong Nghị quyết 98 của Quốc hội, vì vậy ông đề nghị áp dụng mở rộng các nội dung có thể trong các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98 cho các địa phương trong vùng.

Ngoài ra, chuyên gia Trần Du Lịch cũng bày tỏ vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo Hội đồng Điều phối vùng. Ông cho biết, qua nghiên cứu các vùng trên thế giới, để hình thành được vùng thì phải có quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ thì mới biến ước mơ phát triển vùng trở thành hiện thực.

Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu tăng tổng mức đầu tư lên hơn 24.000 tỷ đồng

Tuyến đường 40km thuộc đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ được mở rộng gấp đôi

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/phan-dau-den-nam-2025-vung-dong-nam-bo-co-tren-400-km-duong-cao-toc-102230718111601288.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phấn đấu đến năm 2025, vùng Đông Nam Bộ có trên 400 km đường cao tốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH