Phó Giáo sư Việt nổi tiếng với đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ qua đời
Suốt sự nghiệp, ông dành trọn tâm huyết cho giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ và quản lý giáo dục.
PGS.TS Bùi Hiền qua đời lúc 15h15 ngày 11/5 tại nhà riêng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, hưởng thọ 91 tuổi. Lễ viếng sẽ diễn ra vào lúc 13h ngày 12/5; lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức vào 6h30 sáng 13/5. Ông sẽ an nghỉ tại quê nhà ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
PGS Bùi Hiền sinh năm 1935 tại xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Ông từng giữ chức Hiệu phó Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội) và là Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy học phổ thông.

Có bằng Tiến sĩ tiếng Nga, suốt sự nghiệp, ông dành trọn tâm huyết cho giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ và quản lý giáo dục, chủ yếu tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ và Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Năm 1978, ông được điều động về Bộ Giáo dục & Đào tạo, phụ trách lĩnh vực ngoại ngữ trong chương trình cải cách giáo dục. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy học phổ thông – thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và giữ chức vụ này đến khi nghỉ hưu vào năm 1993.
Sau khi về hưu, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu cải tiến chữ viết tiếng Việt. Lần đầu tiên, ông công bố "Đề xuất phương án cải tiến chữ Quốc ngữ" trên một tờ báo chuyên ngành giáo dục vào năm 1995.
Tuy nhiên, đến năm 2017, khi ông trình bày đề xuất này tại một hội thảo và truyền thông bắt đầu đưa tin rộng rãi, phương án cải tiến chữ viết của ông mới thật sự gây chú ý, đồng thời tạo nên làn sóng tranh cãi trong dư luận, mà phần lớn là các ý kiến phản đối.
Dù vậy, ông luôn kiên trì với quan điểm của mình. Ông cho rằng cải cách nhằm mục đích thống nhất và đơn giản hóa phần nào chữ viết trong văn bản, qua đó giúp người nước ngoài và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận tiếng Việt dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đề xuất của ông đã vấp phải sự phản ứng gay gắt và không ít lời giễu cợt từ dư luận.
Một số nhà ngôn ngữ học, dù không đánh giá cao tính ứng dụng của nghiên cứu này, vẫn bày tỏ sự tôn trọng đối với tinh thần tự do học thuật và nỗ lực nghiên cứu khoa học của ông.