Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: 'Nói lãnh đạo giỏi nên tỉnh giàu là chưa đủ'
"Ai cũng nói, tôi thu được thì tôi tiêu, nhưng như vậy ai sẽ ở những tỉnh nghèo lo giữ biên giới, ai lo cho dân vùng khó khăn?", Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ngày 26/5.
Quốc hội đang bàn về nhiều nội dung lớn liên quan đến dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Ông đánh giá như thế nào về vai trò điều tiết ngân sách giữa Trung ương và địa phương hiện nay, nhất là trong đầu tư hạ tầng?
Phải khẳng định, việc đầu tư xây dựng hạ tầng như đường cao tốc hay các công trình kết nối liên vùng là rất quan trọng nhưng cũng rất tốn kém. Những tỉnh nghèo như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Gia Lai hay Kon Tum, gần như không có đủ nguồn lực để đầu tư các dự án lớn.
Vì thế, vai trò điều tiết của Trung ương là hết sức cần thiết để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc. Ảnh: Như Ý |
"Ai cũng nói tôi thu được thì tôi tiêu, nhưng như vậy ai sẽ ở những tỉnh nghèo lo giữ biên giới, ai lo cho dân vùng khó khăn? Thậm chí, ông nói ông làm giỏi, vậy thử đưa ông về điều hành ở các tỉnh khó khăn xem có giỏi hơn không?", Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Trong khi đó, các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng hay Đà Nẵng lại có nguồn thu lớn từ đất đai và thường vượt dự toán ngân sách. Tuy nhiên, phải thấy rằng những địa phương này đã được Trung ương đầu tư hạ tầng rất lớn qua nhiều thời kỳ.
Do vậy, việc điều tiết ngân sách từ các địa phương giàu để hỗ trợ các vùng khó khăn là cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa, cân bằng.
Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, Trung ương can thiệp quá sâu vào việc chi tiêu của địa phương?
Luật Ngân sách Nhà nước quy định rất rõ, ngân sách địa phương do HĐND cấp tỉnh quyết định. Trung ương không can thiệp vào từng khoản chi cụ thể. Tuy nhiên, việc chi tiêu vẫn phải tuân thủ các định mức, tiêu chuẩn, chế độ chung do Nhà nước ban hành. Chính quyền địa phương được tự quyết công trình nào làm, chi bao nhiêu, nhưng phải tuân thủ quy trình và quy định chung.
Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước được phân bổ minh bạch từ đầu năm. Quốc hội phê duyệt ở cấp bộ, ngành, hoặc địa phương. Chỉ khi có điều chỉnh lớn, như tăng tỷ lệ chi cho một lĩnh vực quan trọng, thì mới phải trình lại Quốc hội.
![]() |
Vai trò điều tiết của Trung ương là hết sức cần thiết để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển. |
Gần đây, dư luận cũng như đại biểu Quốc hội đều rất quan tâm đến nguồn thu từ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Theo ông, vấn đề này có cần điều chỉnh không?
Hiện nay, TPHCM được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, nhưng sắp tới có thể sẽ điều chỉnh. Đây là điều hợp lý vì theo nghị quyết của Trung ương, tiền sử dụng đất là nguồn thu quốc gia. Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng là nơi tập trung nguồn thu này, nhưng cũng đã được đầu tư rất nhiều.
Chính phủ cần có nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc – Nam, cảng biển, hay các địa phương không có thu từ đất như Lai Châu, Hà Giang… Nếu không điều tiết, Chính phủ sẽ phải đi vay. Điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả từng đồng ngân sách và điều hành kinh tế vĩ mô tốt để đảm bảo phát triển toàn diện, công bằng giữa các vùng miền.
Cũng có ý kiến cho rằng, các tỉnh giàu là do lãnh đạo giỏi, ông nghĩ sao?
Nói lãnh đạo giỏi nên tỉnh giàu là chưa đủ. Hãy thử đưa một lãnh đạo từ TPHCM lên làm Chủ tịch tỉnh như Bắc Kạn xem có làm tốt hơn không? Điều hành ngân sách và phát triển kinh tế phải gắn với thực tiễn, đặc thù và nguồn lực của từng địa phương, chứ không chỉ dựa vào yếu tố con người.
Còn về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam thì sao, thưa ông?
Dự án này hiện chưa được bàn cụ thể, nên tôi chưa có ý kiến. Khi nào được đưa vào thảo luận chính thức, tôi sẽ có phát biểu rõ ràng hơn.
Cảm ơn Phó Thủ tướng !