Phương án nào sẽ được TP. HCM lựa chọn để ‘cứu’ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng?
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng khởi công từ giữa năm 2016, hiện đã hoàn thành hơn 90% nhưng đang phải tạm dừng.
Theo báo cáo mới đây từ UBND TP. HCM, liên quan đến dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng do CTCP đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đầu tư, thành phố hiện đang nghiên cứu để đề xuất áp dụng phương pháp khả thi nhất trong 3 phương án được đưa ra.
>> Hệ lụy từ việc giá đất vùng ven bị 'thổi giá'
Trước đó, theo báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết số 40 của Chính phủ liên quan đến dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, TP. HCM đã đề xuất ba phương án gỡ vướng dự án.
Phương án 1 là TP. HCM sẽ thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả trả bằng đất và tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận;
Phương án 2 là Quỹ đầu tư phát triển TP (HFIC) sẽ cho nhà đầu tư vay từ nguồn vốn hoạt động. Phương án này có thuận lợi khi HFIC có thể chủ động cho vay để nhà đầu tư thi công hoàn thành công trình.
Phương án 3 là HFIC sẽ nhận ủy thác cho vay công trình dự án từ ngân sách TP theo quy định của Nghị định số 147 Chính phủ ban hành năm 2020. Cụ thể là TP. HCM sẽ ủy thác ngân sách (khoảng 1.800 tỷ đồng) cho HFIC để HFIC cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình.
Được biết, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng bắt đầu khởi công giữa năm 2016, với mục tiêu kiểm soát tình trạng ngập do triều cường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực rộng 570km2, phục vụ khoảng 6,5 triệu người sống ven sông Sài Gòn và trung tâm TP. HCM. Đây là một trong những dự án chống ngập lớn nhất thành phố.
Mặc dù công trình đã hoàn thành hơn 90%, nhưng hiện phải tạm dừng do hết thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ tháng 9/2020. Ngân hàng Nhà nước đã ngừng giải ngân cho ngân hàng BIDV, khiến việc tiếp tục vay vốn từ ngân hàng này để thực hiện dự án bị gián đoạn.
Năm 2021, Thủ tướng đã đồng ý cho TP. HCM tiếp tục dự án theo cơ chế đặc thù, các thủ tục cần thiết đã được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Đến tháng 1/2023, UBND TP. HCM đã ký kết phụ lục hợp đồng BT và biên bản thỏa thuận với nhà đầu tư Trungnam Group.
Tuy nhiên, dự án gặp phải các vướng mắc mới. Cụ thể, cơ chế thanh toán hợp đồng BT hiện chỉ cho phép thanh toán bằng đất, trong khi dự án yêu cầu cả quỹ đất và ngân sách. Vấn đề pháp lý liên quan đến việc thanh toán bằng cả đất và tiền vẫn chưa được giải quyết.
Một vấn đề nữa là vào tháng 5/2024, ngân hàng BIDV đã thông báo với UBND TP. HCM rằng ngân hàng đã cấp khoảng 7.095 tỷ đồng cho dự án. Tuy nhiên, đến nay, khoản vay đã quá hạn trả nợ gốc với số tiền 6.008 tỷ đồng, chiếm 84,6% tổng dư nợ cho vay. BIDV đã phải tìm nguồn vốn thương mại để trả nợ vay tái cấp vốn 4.091 tỷ đồng cho ngân hàng Nhà nước.
Do đó, BIDV yêu cầu UBND TP. HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm xây dựng phương án giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để gỡ vướng cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, đồng thời bố trí nguồn thanh toán để Trungnam Group trả một phần nợ đến hạn cho BIDV.
Phía Trungnam Group cũng cho biết việc tạm dừng và kéo dài dự án do các vướng mắc mà doanh nghiệp không thể tự giải quyết, điều này đã làm phát sinh lãi vay gần 2 tỷ đồng mỗi ngày.
Với những khó khăn như vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND TP. HCM, ngân hàng BIDV và Trungnam Group là điều cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo dự án chống ngập lớn nhất thành phố sớm được hoàn thành.
>> Tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam chốt phương án điều chỉnh gần 3.000m2 đất thương mại dịch vụ thành đất ở
Hải Dương dồn lực nâng cấp một thị trấn trở thành đô thị vệ tinh trọng điểm của tỉnh
Hé lộ danh tính 8 doanh nghiệp cạnh tranh làm 2 khu đô thị hơn 7.800 tỷ tại Hà Nội