Phương án tăng thuế rượu, bia cần được tính toán nhiều chiều
Việc tăng thuế đối với đồ uống có cồn có 2 phương án. Các phương án đưa ra đều tăng khá cao so với mức thuế hiện đang áp dụng với mặt hàng này...
Nguyên tắc chung khi xây dựng chính sách thuế là cần phân tích trên nhiều góc độ, cân bằng tổng thể lợi ích của nhiều bên. Vì vậy, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia cần nghiên cứu kỹ, cũng như có lộ trình tăng hợp lý để giúp DN, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị xung quanh câu chuyện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu đang được Bộ Tài chính đề xuất.
Đảm bảo hài hòa lợi ích các bên
Theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, nhóm hàng rượu, bia được đề xuất mức tăng thuế khá cao. Liệu mức thuế mới này có gây sốc cho DN không, thưa ông?
- Tôi đang nghiên cứu kỹ về Dự thảo luật thuế TTĐB do Bộ tài chính trình lên Chính Phủ. Đề xuất lần này có nhiều điểm mới so với Dự thảo trước đây. Trong đó, việc tăng thuế đối với đồ uống có cồn có 2 phương án. Các phương án đưa ra đều tăng khá cao so với mức thuế hiện đang áp dụng với mặt hàng này. Theo đó, đến năm 2030, thuế suất thuế TTĐB với bia, rượu trên 20 độ tăng lên mức 90 - 100%, còn dưới 20 độ ở mức 60 - 70%.
Tôi cho rằng, với mục tiêu cải thiện thuế theo chương trình được đặt ra đến 2030 được Chính phủ phê duyệt về việc tăng thuế, trong đó có thuế TTĐB để có nguồn cho chi tiêu ngân sách, đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và điều chỉnh lại mức thuế thu nhập cá nhân là cần thiết.
Bởi, thuế nói chung cũng như thuế TTĐB nói riêng, nhiệm vụ chính của nó là sáng tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, việc thu thuế sẽ tác động thay đổi hành vi về sản xuất, về tiêu dùng, về thu nhập. Cùng với việc đó sẽ có tác dụng trong việc tác động đến quan hệ cung cầu, quan hệ trong xã hội.
Tuy nhiên, thuế không phải là chìa khóa vạn năng, mục tiêu chính vẫn là để sáng tạo nguồn thu nhập cho ngân sách Nhà nước. Việc điều chỉnh các loại thuế cũng nằm trong chiến lược bài bản của Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh bây giờ, chúng ta phải tích cực chống tham nhũng. Cho nên chính sách thuế càng phải công tâm, càng phải hiệu quả, càng phải nghiên cứu kỹ càng.
Đối với 2 phương án đưa ra, các DN lên tiếng cũng là có lý của người ta. Việc điều chỉnh một cách đột ngột cũng khiến DN khó thích nghi kịp. Do đó, cần phải tìm hiểu, thu thập ý kiến sâu rộng, kỹ càng.
Tăng thuế là tốt, nhưng ngược lại phải đặt ra câu hỏi, nếu như tăng thuế ngay bây giờ thì có đảm bảo được phát triển cho DN hay không? Điều này chúng ta chưa thể khẳng định chắc chắn được, mà cần nghiên cứu thêm dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học, mô hình kinh tế toàn diện thì mới có thể kiến nghị đề xuất với Quốc hội là áp dụng phương án 1 hay phương án 2.
Việc tăng thuế đột ngột sẽ khiến nhiều DN gặp khó khăn, theo ông có nên lùi lại thời gian tăng thuế?
- Tại thời điểm này thì tôi chưa thể trả lời có lùi lại được hay không. Tuy nhiên, các cơ quan cần cân nhắc về lộ trình tăng thuế TTĐB, tránh tạo ra những rủi ro từ “sốc” chính sách khiến DN bị ảnh hưởng tiêu cực. Bởi thuế TTĐB tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội, làm nguy cơ giảm thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN. Nguy cơ tác động lan tỏa đến các DN trong chuỗi cung ứng và tác động đáng kể đến các DN vừa và nhỏ.
Cả 2 phương án đều phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học. Chúng ta mới chỉ xin ý kiến Đại biểu Quốc hội từ tháng 10 năm nay, tháng 5 sang năm chúng ta mới được thông qua. Cho nên chúng ta vẫn còn thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là 2 phương án đã đề xuất.
Chúng ta cần bình tĩnh lắng nghe từ nhiều chiều và đề nghị các chuyên gia cho ý kiến một cách thận trọng. Không thể cho ý kiến một cách cảm tính. Do đó tại thời điểm này, tôi chưa thể trả lời được câu hỏi có thể lùi lại việc tăng thuế hay không.
Công cụ thuế không phải chìa khóa vạn năng
Theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay, song cũng có ý kiến cho rằng cần áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp như ở nhiều nước trên thế giới. Vậy quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Đứng trên quan điểm toàn diện, quan điểm của người dân cũng như nhà nghiên cứu thì tôi thấy Dự thảo này có một số sự tiến bộ so với trước đây. Đầu tiên phải khẳng định là dự thảo đã tiếp thu ý kiến của công luận, chưa áp dụng ngay phương pháp hỗn hợp, phương pháp tuyệt đối.
Thực tế, tính thuế tương đối, tuyệt đối hay hỗn hợp là các phương pháp đều có những ưu, nhược điểm nhất định, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng điều kiện cần và đủ, phân tích rõ và đánh giá bài toán lợi ích và chi phí… trên cơ sở đó mà đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp nhất trong từng giai đoạn phát triển.
Phương pháp tính thuế nào là sự lựa chọn của mỗi quốc gia, sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Ở Việt Nam, nếu áp dụng ngay phương pháp tuyệt đối, hoặc phương pháp hỗn hợp thì sẽ gây nên cú sốc và thiệt hại cho DN và cho chính người tiêu dùng. Vì đại bộ phận chúng ta thu nhập trung bình, không đủ tài chính để tiêu thụ phân khúc giá triệu đồng 1 chai rượu, trăm ngàn một chai bia.
Chúng ta chỉ có thể tiêu thụ sản phẩm ở mức vừa phải khiêm tốn. Ví dụ như 15.000 - 20.000 đồng một lon bia, chai rượu có giá khoảng 100.000 đồng là hợp lý. Vậy nên việc áp thuế theo tỷ lệ phần trăm là hợp lý, tôi đánh giá rất cao tiếp thu của ban soạn thảo.
Thị trường bia, rượu Việt Nam đang có chênh lệch lớn giữa giá bán sản phẩm bình dân và phân khúc giá cao. Nếu áp dụng mức thuế tuyệt đối trên số lít sản phẩm, giá của các dòng cao cấp sẽ lợi hơn, trong khi giá của dòng phổ thông (DN Việt chiếm phần lớn) sẽ bị đẩy lên. Do đó, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của DN sản xuất bia thương hiệu Việt.
Ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng thuế đối với mặt hàng rượu, bia. Và nếu không sử dụng chính sách thuế, theo ông phải sử dụng chính sách gì để hạn chế sử dụng mặt hàng này?
- Khi điều chỉnh tăng thuế TTĐB với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách hướng tới 3 mục tiêu là điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khỏe con người; bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước ổn định, bền vững; bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất đồ uống trong nước.
Trong đó, mục tiêu tăng thuế mạnh để thay đổi hành vi ngay, tôi đánh giá đây là ý kiến tốt. Tuy nhiên tôi cũng rất băn khoăn khi nghe ý kiến của nhiều chuyên gia đánh giá tác động chưa được toàn diện. Các con số đánh giá tác động chỉ mang tính tương đối, ngược với đánh giá tác động của nghiên cứu thực hiện bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư.
Nếu dùng con số kế toán để thống kê thì năm 2003 - 2005, sức tiêu dùng trên đầu người là 3,8lít/người/năm, năm 2015 - 2016 là 8,3lít. Trong khi đó thuế bia trước đây là 45% ở giai đoạn 2010 - 2012, 50% từ năm 2013, 55% từ 2016, 60% từ 2017, 65% từ 2018 đến nay và tiếp tục tăng thêm.
Thuế tăng liên tục trong suốt 10 năm nay, nhưng xét theo số liệu tiêu dùng bình quân đầu người tăng hơn 2 lần và đặc biệt là tác động nghịch của rượu, bia, tỷ lệ người lạm dụng rượu bia có hành vi bạo hành năm 2010 chỉ chiếm 1,4% dân số, nhưng đáng báo động là năm 2016 tỷ lệ này đã tăng lên đến 14,4%, gấp 10 lần. Thuế tăng 5% mỗi năm nhưng hành vi bạo lực tăng đến 10 lần.
Và tôi thấy chỉ khi Nghị định số 100 năm 2019 được Chính phủ thực hiện quyết liệt thì hành vi bạo lực này mới thay đổi. Vì vậy có thể khẳng định, thuế không phải “chìa khóa vạn năng”, hiệu quả của biện pháp hành chính mạnh hơn so với tác động về thuế.
Theo tôi, trong mối quan hệ đảm bảo thu ngân sách hợp lý trong bối cảnh phải cơ cấu lại các nguồn thu thuế thì chúng ta phải điều chỉnh các loại thuế, trong đó có thuế TTĐB.
Ngoài ra, cũng cần có các chiến dịch truyền thông để người tiêu dùng chấp nhận mức giá, tác động đến nhà sản xuất để họ cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới công thức, giảm chất độc hại. Các DN hiện nay quá quan tâm đến quảng bá mà lại không cải tiến sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
>> Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: tính toán lộ trình phù hợp
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: tính toán lộ trình phù hợp
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Giãn tiến độ để doanh nghiệp kịp thích ứng