Việt Nam sẽ thực hiện khai quật khảo cổ một di sản thế giới nổi tiếng được UNESCO công nhận
Nơi đây được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.
Theo Báo Đà Nẵng, vào ngày 7/7, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (xã Thu Bồn, TP Đà Nẵng) cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xúc tiến thủ tục thăm dò, khai quật khảo cổ trong khuôn viên Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định cho phép Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thăm dò, khai quật tại khu vực bãi đất nằm giữa tháp K và nhóm tháp trung tâm, thuộc phạm vi Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Thời gian thực hiện dự kiến kéo dài từ tháng 7 đến hết tháng 11/2025, với diện tích khảo cổ được phê duyệt là 770m².
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các cơ quan, đơn vị được cấp phép phải đảm bảo việc bảo vệ địa tầng của di tích trong suốt quá trình thăm dò, khai quật. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về vai trò của việc bảo vệ di sản văn hóa tại địa phương. Đặc biệt, mọi kết luận chính thức liên quan đến cuộc khai quật chỉ được công bố sau khi có sự thống nhất với cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật cần được Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cùng các đơn vị liên quan giữ gìn, bảo quản cẩn trọng, tránh tình trạng hư hỏng hoặc thất lạc. Các bên cũng có trách nhiệm báo cáo với Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xây dựng phương án bảo vệ, đồng thời phát huy giá trị của những hiện vật thu thập được.
Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng bao quanh bởi đồi núi, thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên trước đây (nay thuộc TP Đà Nẵng). Đây là nơi lưu giữ hơn 70 đền tháp cùng hơn 30 bia ký có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII. Những tư liệu quý giá này là nguồn cứ liệu quan trọng để nghiên cứu về quá trình phát triển văn hóa và nghệ thuật Chăm.

Vào tháng 12/1999, Khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Trong nhiều thập niên qua, các nhà khảo cổ học cùng chuyên gia trong, ngoài nước đã nỗ lực trùng tu, phục dựng các đền tháp cổ, phục vụ công tác bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa. Quá trình này cũng cho phép phát hiện nhiều hiện vật quý, trong đó có những hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia và được bảo vệ đặc biệt.
Từ 7/7, tạm dừng đón khách tham quan tại cụm di tích quan trọng gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chính thức hoàn thành khảo cổ một ‘đại’ công trình thuộc Di sản Văn hóa thế giới của Việt Nam