Siêu dự án tàu viên đạn tại Ấn Độ, ước tính trị giá khoảng 1 nghìn tỷ rupee (gần 12 tỷ USD), dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 8/2026.
Một tuyến đường sắt mới tại Ấn Độ, dự kiến là một trong những tuyến nhanh nhất thế giới, sẽ sẵn sàng hoạt động trong vòng ba năm tới. Dự án tàu cao tốc kết nối thủ đô Mumbai và thành phố Ahmedabad ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 1 nghìn tỷ rupee - tương đương 12 tỷ USD.
Tuyến đường dài 506km dự kiến sẽ giảm thời gian di chuyển giữa hai nơi từ gần 8 tiếng bằng tàu hỏa, hoặc 10 tiếng bằng ô tô, xuống chỉ còn hơn 2 tiếng.
Dự án tàu cao tốc Mumbai -Ahmedabad sẽ kết nối trung tâm tài chính của Ấn Độ với thành phố lớn nhất ở bang Gujarat và được kỳ vọng sẽ mang lại sự tăng trưởng kinh tế to lớn.
Ảnh minh họa |
Việc xây dựng bắt đầu vào tháng 4/2020 với giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 8/2026. Kế hoạch hiện tại của Ấn Độ là sẽ hoàn thành toàn bộ siêu dự án vào năm 2027.
Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Ấn Độ. Với tốc độ tối đa 350km/h, quốc gia châu Á này có kế hoạch vận hành 35 tàu khi bắt đầu hoạt động, với khoảng 70 chuyến mỗi ngày với tần suất 20 phút một chuyến vào giờ cao điểm. Chính phủ nước này hy vọng sẽ tăng con số này lên 105 tàu vào năm 2050.
Trên tuyến đường sắt sẽ xây dựng 24 cầu qua sông, 28 cầu thép và 7 hầm xuyên núi. Điều này bao gồm cầu sông Narmada cho tàu cao tốc ở Bharuch, Gujarat, hiện đang được xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Họ cũng có kế hoạch xây dựng gần 7km đường hầm dưới biển và 12 nhà ga hiện đại. Mạng lưới cũng sẽ được trang bị hệ thống phát hiện động đất sớm và hệ thống đường ray không ballast, xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ.
Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw tuyên bố vào tháng 3 rằng đoạn đường sắt cao tốc dài 444km đã sẵn sàng ở Gujarat, nơi công việc đang tiến triển rất nhanh. Ông nói thêm rằng việc xây dựng cũng đang diễn ra với tốc độ tương tự ở Maharashtra.
Vị Bộ trưởng khẳng định, sự kết nối với tốc độ cao như vậy sẽ biến khu vực này thành một khu kinh tế duy nhất và sẽ mang lại "đòn bẩy kinh tế lớn" cho các thành phố.
Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw cho biết sự kết nối với tốc độ cao sẽ mang lại cho các thành phố một “sự thúc đẩy kinh tế lớn”. (Ảnh: Getty) |
Theo trang web của Tổng công ty Đường sắt cao tốc quốc gia Ấn Độ (NHSRCL), các đoàn tàu được cho là có ba loại toa - tiêu chuẩn, thương gia và hạng nhất - và bao gồm các tính năng giống như máy bay, bao gồm đèn LED, giá để hành lý trên cao, tựa chân ghế, ổ sạc và đèn đọc sách ở các toa hạng cao hơn.
Được biết, mạng lưới cũng sẽ sử dụng công nghệ Shinkansen của Nhật Bản để đảm bảo an toàn và tốc độ cho hành khách.