Quốc gia châu Á từng là 'trung tâm xuất khẩu trẻ em': Chính phủ bị tố làm giả hồ sơ, hàng trăm nghìn trẻ bị 'bán ra nước ngoài' dưới vỏ bọc nhận con nuôi
Nhiều người con nuôi hiện đã trưởng thành, sống rải rác khắp thế giới và đang cố gắng tìm về nguồn gốc của mình.
Chính phủ Hàn Quốc đã làm giả hồ sơ khai sinh, báo cáo sai rằng trẻ em bị bỏ rơi và không tiến hành kiểm tra an toàn đầy đủ đối với cha mẹ nuôi trong giai đoạn bùng nổ nhận con nuôi quốc tế sau chiến tranh. Đây là kết luận từ một cuộc điều tra được công bố vào ngày 26/3 vừa qua.
Theo cơ quan chức năng, hơn 200.000 trẻ em Hàn Quốc đã được nhận nuôi ở nước ngoài kể từ những năm 1950, khi đất nước còn chìm trong cảnh nghèo đói và đang tái thiết sau Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của một ngành công nghiệp nhận con nuôi quy mô lớn và mang lại lợi nhuận khổng lồ.

Nhiều người con nuôi hiện đã trưởng thành, sống rải rác khắp thế giới và đang cố gắng tìm về nguồn gốc của mình. Họ cáo buộc các cơ quan môi giới đã dùng thủ đoạn ép buộc và lừa dối, thậm chí có những trường hợp trẻ bị cưỡng ép tách khỏi mẹ ruột.
Ngày 26/3 vừa qua, Ủy ban Sự thật và Hòa giải của chính phủ đã công bố kết quả điều tra 100 trường hợp đầu tiên trong tổng số 367 đơn kiến nghị từ những người được nhận nuôi ở nước ngoài trong giai đoạn 1964–1999. Những người này đến từ 11 quốc gia khác nhau, và nhiều người nghi ngờ rằng việc nhận con nuôi của họ đã bị thao túng bởi nạn tham nhũng và sai phạm, điều đã gây tranh cãi trong cộng đồng con nuôi gốc Hàn suốt nhiều năm qua.
Trong số 100 trường hợp đầu tiên được điều tra, 56 người được xác định là "nạn nhân" của sự tắc trách từ chính phủ, vi phạm quyền lợi của họ theo Hiến pháp Hàn Quốc và các công ước quốc tế.
Ủy viên Lee Sang-hoon phát biểu trong cuộc họp báo: "Một phần của vấn đề là việc nhận con nuôi gần như hoàn toàn do các cơ quan tư nhân quản lý, hoạt động dựa trên nguồn tài trợ từ cha mẹ nuôi mà không có sự giám sát của chính phủ. Khi các cơ quan này phụ thuộc vào các khoản quyên góp, họ chịu áp lực phải tiếp tục gửi trẻ ra nước ngoài để duy trì hoạt động. Cơ cấu này làm gia tăng nguy cơ nhận con nuôi bất hợp pháp".
Cuộc điều tra đã phát hiện bằng chứng về việc làm giả hồ sơ, bao gồm hành vi "thay đổi danh tính có chủ đích" và báo cáo sai rằng trẻ em bị bỏ rơi. Nhiều trường hợp được ghi nhận là cha mẹ ruột không hề có sự đồng thuận hợp pháp khi con họ bị đưa đi.
Ngoài ra, quy trình nhận con nuôi cũng tồn tại nhiều sai sót nghiêm trọng, chẳng hạn như việc kiểm tra cha mẹ nuôi không đầy đủ, sự thờ ơ của người giám hộ trong quá trình chăm sóc trẻ, và những trường hợp cha mẹ nuôi nước ngoài bị ép buộc phải trả tiền để nhận con.
Báo cáo dẫn chứng một trường hợp cụ thể, trong đó một phụ nữ đã ký giấy đồng ý cho con nuôi chỉ một ngày sau khi sinh. Cơ quan nhận con nuôi đã tiếp nhận đứa trẻ sau khi thực hiện chỉ một cuộc phỏng vấn duy nhất với người mẹ, mà không hề xác minh danh tính hay chứng minh mối quan hệ huyết thống.
Cuộc điều tra hơn 300 trường hợp bắt đầu từ năm 2022 và dự kiến kết thúc vào tháng 5 năm nay. Những phát hiện mới nhất bổ sung vào danh sách dài các bằng chứng về sai phạm có hệ thống và hành vi cưỡng ép, mà ủy ban gọi là "cuộc xuất khẩu trẻ em hàng loạt để đáp ứng nhu cầu nước ngoài".
Ủy ban đã đưa ra khuyến nghị rằng chính phủ Hàn Quốc cần đưa ra lời xin lỗi chính thức, tiến hành một cuộc khảo sát toàn diện về tình trạng quốc tịch của những người được nhận nuôi, và đưa ra các biện pháp khắc phục cho những nạn nhân có danh tính bị làm giả.
Han Boon-young, một người con nuôi lớn lên ở Đan Mạch và là một trong 100 người có hồ sơ được xét duyệt, chia sẻ: "Mọi người đã chờ đợi rất lâu. Và bây giờ chúng tôi đã giành được một chiến thắng. Đây là một chiến thắng".
Tuy nhiên, cô cũng bày tỏ sự thất vọng vì không được công nhận là "nạn nhân" do thiếu tài liệu chứng minh. "Nếu họ thừa nhận đây là hành vi bạo lực của nhà nước, vậy tại sao lại không công nhận những người không có đầy đủ thông tin? Vấn đề cốt lõi của chúng tôi chính là chúng tôi không có thông tin… thông tin đã bị làm giả, bị thay đổi", cô nói sau khi báo cáo được công bố.
Marianne Ok Nielsen, người đang chờ kết quả điều tra của mình, bày tỏ lo ngại khi thấy khoảng một nửa số người con nuôi không được công nhận là nạn nhân của sai phạm. "Chúng tôi không có quyền gì cả vì ngay từ đầu chúng tôi thậm chí không có tài liệu... Đây là vấn đề về quyền con người, nó vượt xa những trường hợp cá nhân".
Dù việc nhận con nuôi vẫn tiếp diễn đến ngày nay, xu hướng này đã giảm đáng kể từ những năm 2010, khi Hàn Quốc sửa đổi luật nhận con nuôi nhằm giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống và giảm số lượng trẻ em được đưa ra nước ngoài.
Theo CNN
>> Phát hiện mỏ vàng khổng lồ, trữ lượng có thể vượt 2.000 tấn
Lo cạn kiệt dân số, huyện ít dân nhất Hàn Quốc muốn mở cửa cho người tị nạn Myanmar
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc trì hoãn phán quyết luận tội Tổng thống Yoon