Quốc gia nhỏ hơn Việt Nam 130 lần ‘chuyển mình’ thành nơi giàu có nhất thế giới nhờ một 'kho báu', thu nhập bình quân vượt 3,5 tỷ đồng/năm
Quốc gia này hiện quản lý 16.777 quỹ đầu tư, bao gồm các lĩnh vực như vốn mạo hiểm, quản lý tài sản và quỹ đầu cơ, với tổng giá trị 4,5 nghìn tỷ euro.
Luxembourg có với diện tích khiêm tốn chỉ 2.586km2 – nhỏ hơn Việt Nam 128 lần (331.690km2) – là một trong những quốc gia nhỏ nhất Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, quốc gia này lại nổi bật với GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới, phản ánh mức sống đáng ngưỡng mộ của người dân.
GDP là thước đo tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ cuối cùng mà nền kinh tế tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định. GDP bình quân đầu người được tính bằng cách chia tổng GDP (thực tế hoặc danh nghĩa) cho dân số của quốc gia. Theo dữ liệu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Visualcapitalist công bố vào tháng 10/2024, GDP bình quân đầu người của Luxembourg vượt mức 144.000 USD (tương đương hơn 3,6 tỷ VNĐ), khẳng định vị thế dẫn đầu toàn cầu.
Dù những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ hay Đức thường thống trị các bảng xếp hạng kinh tế, trong danh sách 10 quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất, Mỹ là đại diện duy nhất góp mặt.
Trong lịch sử, Luxembourg từng là một quốc gia nông nghiệp với 80% dân số làm nghề nông vào đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, sự phát hiện ra minette – một loại quặng sắt cấp thấp – đã tạo bước ngoặt lớn, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành thép. Các nhà máy thép liên tục được mở rộng, đưa ngành này đạt đỉnh cao vào đầu thế kỷ 20 với hơn 50.000 lao động.
Tuy nhiên, từ nửa cuối thế kỷ 20, ngành thép Luxembourg suy giảm do sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt và chi phí năng lượng leo thang. Lò cao cuối cùng đã đóng cửa vào năm 1997. Ngày nay, ngành thép đã tái cấu trúc, chuyển sang tập trung sản xuất các sản phẩm thép có giá trị cao.
Hiện tại, với dân số 669.000 người, Luxembourg nổi tiếng là trung tâm tài chính toàn cầu, khi lĩnh vực này đóng góp tới 25% GDP. Quốc gia này quản lý 16.777 quỹ đầu tư, bao gồm các lĩnh vực như vốn mạo hiểm, quản lý tài sản và quỹ đầu cơ, với tổng giá trị 4,5 nghìn tỷ euro. Các quỹ này không chỉ củng cố vị thế Luxembourg trong ngành tài chính mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân và duy trì danh tiếng là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.
Luxembourg còn được biết đến như "thiên đường thuế", nhờ mức thuế doanh nghiệp thấp và miễn thuế lãi vốn. Điều này biến quốc gia này thành điểm đến lý tưởng cho các tỷ phú và doanh nghiệp. Dù nhiều người giàu không sinh sống tại đây, tài sản của họ vẫn tập trung mạnh mẽ với tổng giá trị vượt 4.000 tỷ USD.
Đất nước này cũng thu hút nhiều tập đoàn lớn đặt văn phòng, như trụ sở châu Âu của Amazon và trụ sở chính của Ferrero. Ngoài ra, Luxembourg luôn khuyến khích khởi nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ và chương trình thúc đẩy, giúp các doanh nghiệp trẻ phát triển và vươn ra thị trường quốc tế.
Tổng hợp: IMF, Visualcapitalist