Quốc gia Tây Phi “lột xác” nhờ hàng loạt siêu dự án tỷ đô của Trung Quốc
Các siêu dự án cơ sở hạ tầng đang tạo động lực tăng trưởng không chỉ cho quốc gia này mà còn cho toàn bộ châu Phi.
Theo CGTN, hệ thống đường sắt của Nigeria đã tồn tại hơn 100 năm nhưng sau nhiều năm bị bỏ bê và quản lý yếu kém đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp và tan rã. Trong nhiều năm, hành trình đi từ trung tâm thương mại Kaduna phía Bắc Nigeria đến thủ đô Abuja không phải là một hành trình dễ dàng.
Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi, từ lâu đã mong muốn hiện đại hóa các tuyến đường sắt cũ kỹ, nhằm tạo ra các hành lang kinh tế trên khắp đất nước và theo đuổi các siêu dự án mang tính chuyển đổi. Và bây giờ, mọi thứ đang thay đổi.
Phát triển tuyến đường sắt và trung tâm hậu cần hàng hải
Trong những năm gần đây, việc di chuyển khắp quốc gia đông dân nhất châu Phi bằng các tuyến đường sắt mới được nâng cấp đang ngày càng trở nên dễ dàng. Bởi các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn được xây dựng với sự hỗ trợ về công nghệ và tài chính từ Sáng kiến ”Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, đã cải thiện cuộc sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế đa dạng hóa đất nước.
Năm 2016, Nigeria khánh thành đường sắt Abuja-Kaduna, tuyến đường sắt hiện đại hóa đầu tiên của nước này. Đồng thời cũng là tuyến đường sắt đầu tiên ở châu Phi được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung Quốc. Một hành trình suôn sẻ và an toàn giữa hai thành phố trên tuyến đường sắt dài 187 km do Công ty Kỹ thuật và Dân dụng Trung Quốc (CCECC) xây dựng chỉ mất vỏn vẹn 1 giờ di chuyển.
Đường sắt được nâng cấp ở Nigeria đã giảm đáng kể tình trạng tắc nghẽn giao thông trên các tuyến đường liên tỉnh và các cảng địa phương. Tuyến đường sắt Lagos-Ibadan được khai trương vào năm 2021, giúp việc đi lại giữa thành phố cảng lớn nhất Nigeria đến một trong những thành phố công nghiệp quan trọng nhất của đất nước trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Lagos, đô thị lớn nhất Nigeria với hơn 15 triệu dân, hiện là nơi có mạng lưới đường sắt hạng nhẹ đầu tiên ở Tây Phi. Do một công ty Trung Quốc xây dựng, tuyến đường sắt này được thiết kế để giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí, cũng như cải thiện cuộc sống của người dân địa phương. Tác động kinh tế của dự án này vô cùng đáng kể bởi Lagos chiếm 26,7% tổng GDP của Nigeria và hơn 50% công suất công nghiệp phi dầu mỏ của quốc gia nằm tại thành phố này.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều dự án mang tính bước ngoặt mọc lên ở trung tâm kinh tế của Nigeria. Cảng biển sâu nhất Tây Phi do công ty Trung Quốc China Harbor Engineering Company Ltd (CHEC) xây dựng đã chính thức được mở tại Lagos. Đồng thời, nhà ga quốc tế tại Sân bay Quốc tế Murtala Muhammed cũng đã được nâng cấp bởi các công ty Trung Quốc.
Theo China Harbor Engineering Company Ltd (CHEC), với khả năng xử lý 1,2 triệu container tiêu chuẩn hàng năm, cảng Lekki sẽ giảm bớt đáng kể tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Nigeria và tăng công suất xử lý container của nước này lên tới 80%.
Ngoài ra, cảng Lekki nằm trong Khu thương mại tự do Lekki, nơi cung cấp thuế và các ưu đãi, cũng như cơ sở hạ tầng hiện đại và đáng tin cậy để giảm chi phí kinh doanh và tạo ra nhiều lợi ích hơn trong tương lai.
Cảng biển sâu nhất Tây Phi do công ty Trung Quốc China Harbor Engineering Company Ltd (CHEC) xây dựng đã chính thức được mở tại Lagos. Nguồn: CGTN |
Đem lại nguồn cung năng lượng ổn định
Nếu mạng lưới đường sắt quốc gia hiện đại hóa và trung tâm hậu cần hàng hải vô cùng cần thiết đối với Nigeria, thì nguồn cung cấp năng lượng ổn định cũng quan trọng không kém đối với sự phát triển của một quốc gia có dân số tăng nhanh.
Công suất phát điện hạn chế và hệ thống lưới điện lỗi thời của Nigeria đã bị quá tải trong nhiều năm.
Năm 1982, Chính phủ Nigeria đề ra kế hoạch xây dựng dự án Thủy điện Zungeru. Với công suất lắp đặt 700 MW, dự án có tiềm năng giải quyết vấn đề thiếu điện của đất nước. Tuy nhiên, công việc xây dựng bị đình trệ và các công ty nước ngoài không muốn tiếp nhận dự án, với nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn.
Các công ty Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng nhà máy thủy điện Zungeru. Nguồn: CGTN |
Đến tận hơn ba mươi năm sau, vào năm 2013, Trung Quốc và Nigeria đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 1,2 nghìn tỷ USD để xây dựng siêu dự án này. Các công ty Trung Quốc đã giành được hợp đồng và ngân hàng Exim Bank của Trung Quốc đã cung cấp một khoản vay với các điều kiện ưu đãi. Sau chín năm xây dựng, dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ đã hoàn thành và nhà máy thủy điện bắt đầu cung cấp năng lượng sạch cho người dân Nigeria và hỗ trợ phát triển công nghiệp.
Có thể thấy, từ đường sắt đến bến cảng, các siêu dự án cơ sở hạ tầng đang tạo động lực tăng trưởng không chỉ cho Nigeria mà còn cho toàn bộ châu Phi.
Trung Quốc chi tiền "khủng" để khai thác "kho báu" có trữ lượng 120 triệu tấn/năm